Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt trong Kênh đào Suez ngày 26/3 làm gián đoạn vận chuyển đường thủy toàn cầu. Ảnh: AP.
Ngay sau khi siêu tàu được giải phóng, giao thông trên kênh đào Suez cũng đã nhanh chóng được khơi thông trở lại. Nỗ lực giải cứu tàu sau gần 1 tuần đã thành công. Tuy vậy, sự cố vừa qua cũng đang cho thấy sự mỏng manh của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tận dụng thủy triều lên, các đội tàu lai dắt đã kéo được phần mũi tàu ra khỏi bờ cát con kênh. Các hoạt động vận tải trên kênh đào đã lập tức được khôi phục. Tuy nhiên, hiện có gần 400 con tàu bị mắc kẹt những ngày qua. Việc giải phóng hết số tàu này, dự kiến ít nhất cũng phải mất 3 ngày.
Trong lúc này, giới chức Ai Cập cho biết họ sẽ tiếp tục điều tra nguyên nhân gì đã khiến con tàu Ever Given bị mắc kẹt, nhằm tránh những sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Sự cố tại kênh đào Suez đang làm nổi lên nỗi lo về một hệ thống thương mại toàn cầu, đang phải đánh cược số phận của mình vào sự bình an của rất nhiều điểm nghẽn, từ kênh đào Suez, eo biển Hormuz cho tới kênh đào Panama hay eo biển Malacca
Ông Sabry Nasr - Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez cho biết: "Chúng tôi sẽ điều tra xem nguyên nhân thực sự gì đã dẫn đến vụ tai nạn. Từ đó, chúng tôi sẽ đưa vào tình huống diễn tập ứng phó sự cố. Qua đó, chúng tôi muốn đảm bảo những vụ việc tương tự sẽ không còn tái diễn trong tương lai".
Toàn cầu hóa đã gắn cả số phận của các nước vào những chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng các chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại đang ngày càng bộc lộ sự mỏng manh, ẩn chứa rủi ro. Việc khơi thông kênh đào Suez có thể chỉ là sự thở phào trước mắt, khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn hầu như không có phương án dự phòng nào cho những kịch bản đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!