Giải tán Quốc hội
Ngày 5/8, những người biểu tình đã ra tối hậu thư yêu cầu Quốc hội Bangladesh giải tán trước 15h ngày 6/8 (giờ địa phương), tuyên bố nếu không được đáp ứng, họ sẽ đưa ra một "chương trình nghiêm ngặt".
Một ngày sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức, lên máy bay rơi khỏi đất nước, Tổng thống Mohammed Shahabuddin đã quyết định giải tán Quốc hội nước này.
Các cuộc biểu tình tại Bangladesh bắt đầu bùng phát vào tháng 7 do các nhóm sinh viên dẫn đầu nhằm phản đối hạn ngạch việc làm của công chức. Biểu tình đã leo thang thành phong trào phản đối chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức sau 15 năm cầm quyền.
Cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực gây nhiều thương vong nghiêm trọng. Cảnh sát và giới chức y tế Bangladesh cho biết có ít nhất 109 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ ngày 5/8, nhấn mạnh đây là ngày có nhiều người thiệt mạng nhất kể từ khi làn sóng biểu tình bùng phát đầu tháng trước, nâng tổng số người chết từ đầu đợt tăng lên 409 người.
Trong thông điệp giải tán Quốc hội, Văn phòng Tổng thống Shahabuddin cũng cho biết lãnh đạo phe đối lập Begum Khaleda Zia, cựu Thủ tướng Bangladesh, đã được giải phóng khỏi lệnh bắt giữ tại nhà. Quyết định giải tán Quốc hội đã mở đường cho một chính phủ lâm thời và tổ chức bầu cử mới tại quốc gia Nam Á này.
Tiến tới thành lập chính phủ lâm thời
Theo kênh truyền hình Al Jazeera, trong ngày 5/8, Tướng Waker-Uz-Zaman, Tổng Tư lệnh quân đội Bangladesh, đã thông báo về việc thành lập một chính phủ lâm thời để điều hành đất nước, đồng thời kêu gọi người dân chấm dứt mọi hành động bạo lực và phá hoại trên đường phố.
"Một chính phủ lâm thời sẽ nhanh chóng được thành lập. Chúng tôi đã thảo luận với đại diện tất cả các đảng phái chính trị lớn trong nước, họ đã cam kết hợp tác với chúng tôi. Người dân cần tin tưởng vào quân đội, chúng tôi sẽ bảo vệ hòa bình và đảm bảo công lý được thực thi", ông Waker-Uz-Zaman nhấn mạnh.
Ông Muhammad Yunus, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, sẽ đóng vai trò là Thủ tướng tạm quyền cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức (Ảnh: AFP)
Sáng 6/8, Phong trào Sinh viên Chống phân biệt đối xử Bangladesh đã công bố kế hoạch xây dựng chính phủ lâm thời, đề xuất ông Muhammad Yunus, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, làm cố vấn cấp cao của chính phủ này.
Quyết định trao cho ông Muhammad Yunus vai trò là Thủ tướng tạm quyền diễn ra sau một cuộc họp vào cuối ngày 6/8, bao gồm các thủ lĩnh biểu tình của sinh viên, lãnh đạo quân đội, thành viên xã hội dân sự và lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Yunus và Ngân hàng Grameen của ông từng được Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình ghi nhận “vì những nỗ lực trong việc tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội từ bên dưới”.
Cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ việc phản đổi kế hoạch "hạn ngạch viên chức" của đất nước Bangladesh làm liên tưởng đến cuộc cách mạng "Mùa xuân Arab" cách đây 14 năm tại một loạt quốc gia Arab Hồi giáo ở Trung Đông, Bắc Phi.
Các chuyên gia cho rằng nguồn cơn sâu xa của tình trạng bất ổn hiện nay ở Bangladesh là do các vấn đề kinh tế và sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân của quốc gia Nam Á này. Sau đại dịch COVID-19, kinh tế Bangladesh lao dốc, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều nhà máy đóng cửa cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Ước tính gần 32 triệu thanh niên không có việc làm hoặc không được học hành ở đất nước có dân số 170 triệu người này. Mâu thuẫn xã hội và năng lượng của sự bất mãn được tích lũy qua hàng thập niên, dưới các chế độ lãnh đạo kéo dài trở thành lực cản đối với xã hội, dồn nén và chỉ chực chờ bùng phát trở thành cuộc khủng hoảng chính trị.
Mặc dù vậy, bất chấp những bất ổn sâu sắc đang diễn ra tại Bangladesh, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định sẽ duy trì cam kết đối với người dân, tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực nhằm đảm bảo ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cho quốc gia Nam Á này. Hồi tháng 1/2023, IMF đã phê duyệt khoản vay trị giá 4,7 tỷ USD cho Bangladesh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!