Rời khỏi đất nước, cựu Thủ tướng Bangladesh xin tị nạn tại Anh

Đàm Linh (Theo Independent, Reuters)-Thứ ba, ngày 06/08/2024 21:32 GMT+7

Cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina phát biểu tại một sự kiện tại Pháp, ngày 11/11/2021 (Ảnh: AP)

VTV.vn- Bất chấp Ngoại trưởng Anh kêu gọi Liên hợp quốc điều tra các cuộc bạo loạn gây thương vong ở Dhaka, cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina vẫn quyết tâm xin tị nạn tại Anh.

Cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina (76 tuổi) được cho là đang chờ xác nhận từ Anh về yêu cầu xin tị nạn chính trị sau khi bà buộc phải rời khỏi đất nước trên một chiếc trực thăng quân sự do bạo loạn lan rộng ngày 5/8.

Theo Đài CNN-News18, trực thăng chở bà Hasina đã hạ cánh ở thành phố Agartala thuộc bang Tripura, phía Đông Bắc Ấn Độ vài phút trước khi những người biểu tình giận dữ xông vào dinh thự yêu cầu bà từ chức sau hơn 2 thập kỷ tham gia chính trường Bangladesh.

Sự tức giận gia tăng đối với chính phủ của bà Hasina sau các cuộc biểu tình bạo loạn phản đối hệ thống hạn ngạch việc làm của chính phủ, vấp phải sự đàn áp khắc nghiệt của lực lượng an ninh khiến hơn 400 người thiệt mạng.

Sau khi đến thành phố Agartala, bà Hasina đã tới thủ đô New Delhi cùng em gái và nộp đơn yêu cầu chính phủ Anh cho phép tị nạn. Tuy nhiên, bà Hasina đã buộc phải gia hạn thời gian lưu trú tại New Delhi vì bà vẫn chưa được chính phủ Anh xác nhận, các nguồn tin chia sẻ với Đài truyền hình CNN-News18.

Giới truyền thông cho rằng, lý do bà Hasina xin tị nạn ở Anh là do em gái bà - Sheikh Rehana - có quốc tịch Anh và con gái bà - Tulip Siddiq - là thành viên của quốc hội Anh thuộc Đảng Lao động. Tuy vậy, yêu cầu của bà Hasina đang gặp khó khăn từ Vương quốc Anh vì Ngoại trưởng David Lammy đã kêu gọi Liên hợp quốc tiến hành điều tra các cuộc biểu tình gây thương vong bi thảm cho người dân ở Bangladesh.

Ông Lammy cho biết trong một tuyên bố rằng Vương quốc Anh và Bangladesh có "mối liên hệ sâu sắc giữa người dân hai bên và có các giá trị chung của Khối thịnh vượng chung". "Tất cả các bên hiện cần phải cùng nhau chấm dứt bạo lực, khôi phục sự bình tĩnh, hạ nhiệt tình hình và ngăn chặn thêm bất kỳ thương vong nào. Người dân Bangladesh xứng đáng được Liên hợp quốc điều tra toàn diện và độc lập về các sự kiện diễn ra trong vài tuần qua", ông Lammy nhấn mạnh.

Ông cũng mô tả tình trạng bạo lực ở Bangladesh là "chưa từng có tiền lệ" khi nêu ra tham vọng của Vương quốc Anh là giúp Bangladesh đạt được "tương lai hòa bình và dân chủ".

Rời khỏi đất nước, cựu Thủ tướng Bangladesh xin tị nạn tại Anh - Ảnh 1.

Những người biểu tình chống chính phủ giương cao quốc kỳ Bangladesh khi họ xông vào dinh thự của Thủ tướng Sheikh Hasina ở Dhaka, ngày 5/8/2024 (Ảnh: AFP)

Vương quốc Anh và chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra tuyên bố chính thức về những diễn biến này.

Trong khi đó, chính phủ Hoa Kỳ khen ngợi quân đội Bangladesh vì "sự kiềm chế" của họ và kêu gọi thành lập một chính phủ dân chủ lâm thời.

EU cũng kêu gọi "sự chuyển đổi có trật tự và hòa bình" hướng tới một chính phủ mới được bầu cử dân chủ tại quốc gia này.

Con trai của bà Hasina là Sajeeb Wazed Joy và các đồng minh của bà Hasina đã tuyên bố rằng cựu Thủ tướng rất thất vọng sau tất cả những nỗ lực của mình và sẽ không quay trở lại chính trường.

Bà Sheikh Hasina là con gái của cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman, người dẫn dắt quốc gia này giành độc lập vào năm 1971. Khi ông Rahman, vợ và ba con trai bị các sĩ quan nổi loạn sát hại trong cuộc đảo chính tại Bangladesh hồi năm 1975, bà Hasina mới 27 tuổi và đang ở nước ngoài.

Bà quay trở lại quê nhà sau đó 6 năm để nắm quyền lãnh đạo đảng Liên đoàn Awami của cha, bắt đầu cuộc đấu tranh chính trị kéo dài 1 thập kỷ, trong đó chính trị gia này đã vài lần bị quản thúc tại gia trong thời gian dài.

Năm 1990, bà Hasina hợp tác với đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) của chính trị gia Khaleda Zia để tham gia lật đổ nhà độc tài quân sự Muhammad Ershad, qua đó chấm dứt chế độ quân chủ ở Bangladesh.

Bà Hasina, người được ghi nhận có công chấm dứt chế độ quân chủ và hồi sinh nền kinh tế Bangladesh, nắm quyền 15 năm liên tục trước khi phải từ chức vì biểu tình. Sự ra đi của bà trên chiếc trực thăng quân sự ngày 5/8 đặt dấu chấm hết cho hành trình quyền lực kéo dài 2 thập kỷ của chính trị gia được mệnh danh là "người đàn bà thép".

Bangladesh dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, mở cửa lại công sở, trường học Bangladesh dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, mở cửa lại công sở, trường học Biểu tình bạo lực tiếp tục nổ ra ở Bangladesh, gần 100 người thiệt mạng Biểu tình bạo lực tiếp tục nổ ra ở Bangladesh, gần 100 người thiệt mạng Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước