An ninh Đông Bắc Á – Thử thách đối ngoại của chính quyền Donald Trump

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 19/03/2017 13:22 GMT+7

VTV.vn - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ giải quyết các bài toán nan giải tại khu vực Đông Bắc Á và châu Á - Thái Bình Dương ra sao trong thời gian tới?

Chưa đầy 2 tháng kể từ khi ra mắt Nội các mới, hai Bộ trưởng "sức mạnh" của Mỹ là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đều đã có mặt ở khu vực Đông Bắc Á. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của châu Á trong chính sách của Mỹ. Nhưng châu Á - Thái Bình Dương có tiếp tục là ưu tiên của Tổng thống Trump như người tiền nhiệm Barack Obama hay không?

Đáng chú ý, chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu đối phó với thử thách lớn mang tên Triều Tiên, trong đó có các động thái thử tên lửa hạt nhân.

Nhận định về tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Rex Tillerson đối với các vụ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Đó có lẽ là một đòn nắn gân hay là một phép thử trong quan hệ giữa các nước, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoại trưởng Rex Tillerson có đề cập, nước Mỹ cảm thấy dường như bất lực cả về ngoại giao, về kinh tế trong vòng 8 năm qua với Triều Tiên hầu như không đạt được kết quả. Đó có thể coi là sự thất bại trong lĩnh vực ngoại giao của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.

An ninh Đông Bắc Á – Thử thách đối ngoại của chính quyền Donald Trump - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AFP

Vấn đề Triều Tiên bắt đầu từ năm 1994 nhưng tới nay không có sự tiến triển sau 23 năm. Việc Ngoại trưởng Rex Tillerson tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có thể là để đưa ra thông điệp về cách tiếp cận mới khi trình độ quân sự của Triều Tiên đã đạt tới mức nguy hiểm với các nước này".

Nói về lựa chọn của Mỹ trong tình thế hiện nay, GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng, nước Mỹ tuyên bố sẽ lựa chọn biện pháp cứng rắn hơn có thể về mặt kinh tế. Cụ thể, Mỹ đã đưa ra lệnh cấm vận với một số công ty của Trung Quốc có mối liên hệ làm ăn với Triều Tiên và đã mang lại hiệu quả nhất định.

GS.TS Phạm Quang Minh cũng khẳng định giải pháp để hạ nhiệt tại bán đảo Triều Tiên phải bằng biện pháp ngoại giao mềm mỏng và không thể nóng vội trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD mà Trung Quốc phản đối vì cho rằng đây là yếu tố làm bất ổn an ninh.

An ninh Đông Bắc Á – Thử thách đối ngoại của chính quyền Donald Trump - Ảnh 2.

GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trong chương trình Toàn cảnh thế giới

"Việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc đã gây ra mối lo ngại về an ninh. Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định không gây bất ổn ở khu vực mà chỉ để bảo vệ an ninh của Mỹ và Hàn Quốc trước mối đe dọa Triều Tiên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD nêu trên không thể giải quyết được tình hình mà phải đưa được Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên", GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Nhìn chung, Mỹ sẽ vẫn theo đuổi tìm kiếm lợi ích tại châu Á – Thái Bình Dương do khu vực này có vị trí hết sức quan trọng đối với nền chính trị và kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, những thách thức mà Mỹ phải can dự ở khu vực này đang ngày càng lớn, đó là bài toán hạt nhân của Triều Tiên ngày càng nan giải, những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và các đối tác trong khu vực có thể bùng lên nhanh chóng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước