Tuần qua chứng kiến những chuyển động ngoại giao lớn liên quan tới những trục quan hệ quan trọng có vai trò quyết định tới các vấn đề toàn cầu.
Đã 2 tháng kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, các đối tác lớn của nước Mỹ nóng lòng muốn tìm hiểu quan điểm của Washington trong các vấn đề quan trọng cần có sự góp mặt của Mỹ. Vì vậy, sự chú ý đổ dồn vào cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel để xem hai ngọn cờ đầu của châu Âu và Mỹ sẽ "bấm nút" thiết lập mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương như thế nào trong thời kỳ Tổng thống Trump nắm quyền ở Nhà Trắng.
Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh EU đang lo ngại trước chủ trương "nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Trump. Cuộc gặp cũng được kỳ vọng sẽ quyết định tương lai liên minh xuyên Đại Tây Dương và định hình hợp tác trong quan hệ công việc giữa hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel được cho là đang ở hai thái cực.
Thế nhưng, được nhắc đến nhiều nhất là khoảnh khắc có phần lúng túng khi Tổng thống Trump không đáp trả khi Thủ tướng Merkel ngỏ ý muốn bắt tay để báo chí ghi hình ở phòng Bầu Dục. Dù khẳng định cuộc gặp diễn ra tốt đẹp và đạt kết quả khả quan nhưng tại cuộc họp báo sau hội đàm, không có nhiều tiếng nói chung được tìm thấy ngoại trừ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho NATO.
Nhận định về việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức không bắt tay nhau tại phòng Bầu Dục, phóng viên Tuấn Trung – Thường trú THVN tại Washington, Mỹ cho biết: "Không có quy định cụ thể nào cho việc Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay nhau hay không trong phòng Bầu Dục nhưng đó là cử chỉ lịch thiệp trong ngoại giao thông thường trước giới truyền thông. Do đó, về mặt hình ảnh, giới truyền thông cho rằng chuyện này là không bình thường giữa hai người đứng đầu hai quốc gia trong cuộc tiếp tân cấp nhà nước".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel không bắt tay tại phòng Bầu Dục.
"Rõ ràng, Mỹ và Đức hiện nay đang có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề đối ngoại và đối nội từ vấn đề thương mại song phương, đến vấn đề người di cư, quan hệ với Nga trong tam giác quân hệ Mỹ - Nga - Tây Âu. Những quan điểm này không chỉ mang tính cá nhân mà còn là lợi ích của mỗi quốc gia nên khó có thể thay đổi ngay trong một cuộc gặp. Nhưng ít nhất, trong lần gặp gỡ này, hai bên đã đối thoại thẳng thắn ngay cả trong họp báo công khai để tìm cách thương lượng, thu hẹp khác biệt. Đó dù sao cũng là một tín hiệu tốt", phóng viên Tuấn Trung cho biết thêm.
Có mặt tại trường quay tham dự chương trình Toàn cảnh thế giới tại Đài THVN, GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm về chuyến thăm của Thủ tướng Merkel tới Mỹ: "Dù có sự cố nhưng đằng sau vẫn ấn chứa cơ hội lớn. Hơn 50 năm qua, Đức vẫn là trụ cột trong Liên minh châu Âu, đóng vai trò không thể thiếu trong việc kiến tạo hòa bình, trật tự thế giới. Và dù Tổng thống Trump trước đây có nói "NATO lỗi thời" nhưng chắc chắn ông vẫn coi trọng tổ chức này và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là không thể thiếu được trong nền chính trị thế giới mới".
"Hơn nửa thế kỷ qua, nước Mỹ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của EU cũng như về vấn đề an ninh của khu vực này. Hiện EU đang đối mặt với những vấn đề mới như người nhập cư, khủng bố, Brexit… khiến cả Mỹ và EU phải nhìn nhận lại quan hệ. Đây cũng là cơ hội để EU đưa ra cải tổ như tăng chi phí quốc phòng, quan tâm tới lợi ích của người dân và của thành viên EU", GS.TS Phạm Quang Minh nhận định.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!