Con số trên tăng hơn 30% so với năm 2024 do khó khăn về kinh tế - theo một báo cáo chung của Chính phủ Nigeria và Liên hợp quốc vào ngày 1/11.
Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt dẫn đến các cuộc biểu tình chết người vào tháng 8.
Khó khăn kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn sau khi Tổng thống Nigeria Bola Tinubu bắt đầu các chính sách cải cách "thắt lưng buộc bụng", bao gồm phá giá đồng Naira và chấm dứt trợ cấp xăng dầu kéo dài hàng thập kỷ, thúc đẩy lạm phát.
Phân tích được tiến hành 2 lần/năm tại 26 bang và thủ đô liên bang dự đoán rằng 33,1 triệu người ở Nigeria sẽ bị mất an ninh lương thực vào tháng 8/2025. Con số này tăng trên 30% so với 24,8 triệu người tính đến cuối năm nay.
"Một số yếu tố đang thúc đẩy xu hướng này, nhưng nổi bật nhất là khó khăn về kinh tế cùng với lạm phát cao kỷ lục, giá thực phẩm tăng chưa từng thấy và chi phí vận chuyển cao nhất trong lịch sử" - một tuyên bố kèm theo báo cáo cho biết.
(Ảnh: Hunger / Punch Newspaper)
Chi Lael - phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới tại Nigeria - nói với Reuters rằng "các quyết định nhằm củng cố nền kinh tế đất nước trong dài hạn, trong ngắn hạn được ví như một cuộc tấn công trực tiếp vào ví tiền của người dân, gây ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi khi họ cố gắng mua thực phẩm".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nigeria Wale Edun hôm 31/10 cho biết 5 triệu hộ gia đình cho đến nay đã nhận được khoản tiền mặt là 25.000 Naira (15,45 USD) - một phần trong chương trình của Chính phủ nước này nhằm hỗ trợ những gia đình dễ bị tổn thương nhất bởi nạn đói.
Giá thực phẩm đã tăng vọt trong bối cảnh lạm phát tăng lên 32,70% theo giá trị hàng năm vào tháng 9, từ mức 32,15% vào tháng 8.
Lũ lụt và tình trạng bất ổn ở các bang miền Bắc tiếp tục ảnh hưởng đến nông nghiệp, đẩy giá thực phẩm lên cao hơn mức nhiều gia đình có thể chi trả. Lũ lụt trong tháng 10 đã phá hủy khoảng 1,6 triệu ha cây trồng, chủ yếu ở các bang có sản lượng lương thực lớn ở phía Bắc nước này.
Thực trạng này có khả năng gây ra thiệt hại về sản lượng lương thực lên tới 1,1 triệu tấn ngô, lúa miến và gạo - tuyên bố chung cho biết. Con số trên đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực hàng ngày của khoảng 13 triệu người trong một năm. Về mặt tài chính, thiệt hại tiềm tàng về mùa màng ngũ cốc lên tới gần 1 tỷ USD, tuyên bố cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!