Viện Khoa học Weizmann (WIS) của Israel thông báo các nhà nghiên cứu nước này vừa phát triển một công nghệ mới tạo ra phân tử có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các loại virus gây chết người lây truyền từ động vật.
Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications mới đây, các nhà khoa học thuộc WIS đã tạo ra một phân tử "mồi nhử" có thể vô hiệu hóa 2 loại arenavirus gồm Junin và Machupo, lây truyền sang người qua các loài gặm nhấm ở Nam Mỹ và có thể gây ra những bệnh khiến cơ thể bị mất máu tương tự virus Ebola. Các liệu pháp điều trị những bệnh này cho đến nay rất phức tạp và nhiều rủi ro. Ngoài ra, phân tử "mồi nhử" còn có thể ngăn chặn hoạt động của các loại virus khác có cùng họ, mở ra triển vọng cho các liệu pháp giúp chữa khỏi bệnh do virus.
Theo các nhà khoa học, những virus này có thể truyền từ động vật gặm nhấm hoặc các loài động vật khác sang người vì các protein có trong virus phù hợp để liên kết với thụ thể của con người. Điều này dẫn đến quan niệm rằng các thụ thể tế bào gặm nhấm, vốn phù hợp hơn với các protein "xâm nhập" của virus, có thể được sử dụng để ngăn chặn virus và "dụ" chúng ra khỏi tế bào của con người.
Để kiểm chứng điều này, các nhà nghiên cứu đã phẫu thuật loại bỏ phần đầu của thụ thể của loài gặm nhấm mà virus liên kết, sau đó tạo ra một phân tử có tên Arenacept. Trong các thí nghiệm, phân tử Arenacept được liên kết chặt chẽ với virus Junin và Machupo trước khi liên kết với các thụ thể khác của con người. Các chuyên gia cũng quan sát thấy phản ứng miễn dịch.
Theo các nhà nghiên cứu, phân tử Arenacept không gây độc hại và có khả năng chịu nhiệt cao, vì vậy phân tử này có thể được gửi đến các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!