Một mẫu vật trưởng thành của loài ếch hóa thạch Notobatrachus degiustoi. (Ảnh: AP)
Các nhà khoa học ở Argentina đã phát hiện hóa thạch được bảo quản tuyệt vời của nòng nọc cổ nhất từng được biết đến, thuộc giai đoạn ấu trùng của một loài ếch lớn sống cùng thời với khủng long cách đây khoảng 161 triệu năm, vào Kỷ Jura.
Mẫu hóa thạch dài 16 cm không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình tiến hóa của ếch và cóc, mà còn cho thấy rằng hình thái nòng nọc ngày nay gần như không thay đổi so với tổ tiên từ thời Kỷ Jura. Theo các nhà nghiên cứu, mẫu hóa thạch nòng nọc này thuộc loài Notobatrachus degiustoi, với phần đầu và phần lớn cơ thể được bảo tồn tốt. Thậm chí, các mô mềm như mắt và dây thần kinh cũng được ghi nhận dưới dạng dấu in tối màu đúng vị trí giải phẫu.
Hóa thạch nòng nọc lâu đời nhất được biết đến được tìm thấy ở Patagonia, Argentina. (Ảnh: AP)
Phát hiện này được thực hiện vào năm 2020 trong một đợt khai quật hóa thạch khủng long tại một trang trại ở tỉnh Santa Cruz, cách thủ đô Buenos Aires khoảng 2.300 km về phía Nam. Nhà sinh học Mariana Chuliver từ Fundación Azara-Universidad Maimónides - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết: "Đây không chỉ là hóa thạch nòng nọc cổ nhất thế giới được bảo quản kỳ diệu, mà còn cung cấp thông tin về kích thước của một trong số ít loài ếch từ thời kỳ đó".
Nhà cổ sinh vật học Matías Motta tại địa điểm hóa thạch "Estancia La Matilde" ở Patagonia, Argentina đang cầm một mẫu vật trưởng thành của loài ếch hóa thạch Notobatrachus degiustoi. (Ảnh: AP)
Điểm đáng chú ý là cấu trúc xương hyobranchial của nòng nọc, bộ khung sụn hỗ trợ mang, cũng được bảo tồn. Điều này cho phép các nhà khoa học hiểu thêm về chế độ ăn và lối sống của chúng. "Hóa thạch cho thấy hình thái của nòng nọc đã không thay đổi suốt 160 triệu năm qua" - ông Chuliver chia sẻ.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature, mở ra cánh cửa mới về sự tiến hóa của động vật lưỡng cư từ thời tiền sử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!