Nhiều loài sinh vật biển bất đắc dĩ "di cư"

TTXVN-Thứ năm, ngày 26/09/2019 14:38 GMT+7

Hình minh họa

VTV.vn - Các loài cá ngừ lớn, cá ngựa hay các loài cá bò, vốn sống ở vùng nhiệt đới, đang di cư về phía vùng biển đang ấm lên tại châu Âu.

Cá tuyết, cá bơn, cá bơn sao nhiều khả năng không xuất hiện thường xuyên trên bàn ăn của gia đình châu Âu bởi lẽ những loài cá này và nhiều loài sinh vật biển đang tìm kiếm những vùng nước lạnh ở phía Bắc để trốn tránh nước ấm lên toàn cầu do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Theo giới chuyên gia, loài cá ngừ lớn, cá ngựa hay các loài cá bò, vốn sống ở vùng nhiệt đới, đang di cư về phía vùng biển đang ấm lên tại châu Âu, trong khi các loài cá khác như cá tuyết có xu hướng tìm kiếm môi trường mát hơn ở phía Bắc châu Âu. Nhà khoa học Clara Ulrich, trợ lý Giám đốc Viện Nghiên cứu khám phá biển của Pháp, nhận định người dân châu Âu sẽ ít có cơ hội nhìn thấy loài cá vốn đã quen thuộc, mà thay vào đó là các loài cá vùng biển nhiệt đới. Theo giải thích của bà Ulrich, những loài cá như cá bơn không biến mất hoàn toàn khỏi vùng biển châu Âu, mà là sẽ xuất hiện ít hơn dọc bờ biển nước Pháp và Tây Ban Nha. Thay vào đó, chúng di cư đến vùng khí hậu lạnh hơn như Na Uy hay Scotland. Bà nhấn mạnh việc các loài cá di cư về phía Bắc đã khiến số lượng các loài cá ở phía Nam sụt giảm, kéo theo sự sụt giảm về sản lượng đánh bắt cá và mật độ cá.

Ông Manuel Barange, Giám đốc Cơ quan Nông nghiệp và ngư nghiệp thuộc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), nhấn mạnh các nguồn cá không ngừng thay đổi và sẽ luôn thay đổi từ năm này sang năm khác. Ông hy vọng có sự luân chuyển của các loài sinh vật biển sống ở vùng nước ấm di cư tới vùng biển ở phía Bắc.

Việc các loài cá thay đổi môi trường sống cũng buộc con người phải thích nghi với sự xuất hiện của những loài cá mới trên bàn ăn, như cá trổng hay cá phèn - loài cá thường có tại Địa Trung Hải.

Nạn đánh bắt cá quá mức cũng là nguyên nhân khiến lượng cá sụt giảm và hủy hoại môi trường sống của chúng. Tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã ra lệnh cấm đánh bắt cá tuyết tại hầu hết các vùng biển Baltic trong 5 tháng nhằm khôi phục nguồn cá đang bị cạn kiệt. Ông Francois Chartier - người đứng đầu chiến dịch "Greenpeace oceans" tại Pháp - nhấn mạnh tương tự như các khu rừng, các loài sinh vật biển có vai trò quang hợp, chúng hấp thụ khí CO2 và thải ra khí Oxy. Do vậy, nếu chuỗi thực phẩm biển bị phá vỡ liên kết, các đại dương sẽ khó thực hiện chức năng của mình trong hệ sinh thái toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước