Đối với các địa bàn miền núi cao, vùng biên giới, Dự án 600 Phó Chủ tịch xã của Bộ Nội vụ được ví như cầu nối giúp nhiều địa phương thoát ra khỏi những khó khăn, vương mắc tưởng như không thể khắc phục được. Tính đến nay, sau gần hai năm triển khai, những Phó Chủ tịch xã đầy lòng nhiệt tâm này đã mang lại một sự đổi thay đáng kể.
Nằm ngay dưới chân đỉnh Ngọc Linh quanh năm mây phủ, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, được ví như một ốc đảo. Cả một thời gian dài trước đây, đồng bào Xê Đăng nơi đây luôn sống trong tình trạng phải cứu đói thường xuyên. Chính những tập tục lạc hậu như tảo hôn, hay lâm bệnh là mời thầy cúng, đã làm cho đời sống của đồng bào Xê Đăng nơi đây vốn đã khó lại càng khó hơn.
Với ý chí, kiến thức và lòng nhiệt tâm của tuổi trẻ được đào tạo từ Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, sự có mặt kịp thời của nữ Phó Chủ tịch xã Trà Don La Thị Thanh Thuỷ đã từng bước mang lại đổi thay cho làng quê này.
‘ La Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch xã Trà Don đang chăm sóc đàn heo (Ảnh: Báo Phụ nữ)
Sinh ra và lớn lên ở phố thị, nhưng gần hai năm nay, từ khi đặt chân lên xã miền núi Trà Don, nữ Phó Chủ tịch xã La Thị Thanh Thủy đã trở thành người đi cơ sở nhiều nhất của xã. Thứ bảy, chủ nhật nào cũng vậy, nữ Phó Chủ tịch xã vóc dáng mỏng manh, nhưng giàu nghị lực cũng xuống với bà con.
Ngày nối ngày, những chuyến đi nối tiếp những chuyến đi, đến nay, sau gần hai năm lên với Trà Don, Thủy đã nói thông thạo được tiếng của đồng bào Xê Đăng và giờ đây chị đã thật sự trở thành người con của những làng bản.
Là phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng với nghị lực và lòng nhiệt tâm được cống hiến, những cán bộ xã trẻ tuổi thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã đến với các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam đang từng bước khẳng định mình. Họ thật sự là cầu nối, là nhân tố, cùng với chính quyền địa phương giúp đồng bào nơi đây từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.