Hỏi chuyện ông, ông cười hiền từ bảo, ở địa vị ông ai chẳng làm như vậy, nó là việc làm hết sức bình thường thôi. Ông là Trần Văn Sáu ở đội 7 thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn (Quốc Oai - Hà Nội)
‘ Ông Sáu đang kể lại những kỷ niệm không thể nào quên
Từ đứa trẻ bị bỏ rơi
Chúng tôi tìm về thôn Thụy Khuê giữa một buổi chiều chớm đông. Vừa vào đến cổng làng đã nghe mọi người xôn xao bàn tán chuyện một bé gái sơ sinh bị mẹ đẻ cho vào thúng đem bỏ trước cửa nhà văn hóa thôn giữa buổi đông người. Trò chuyện với chúng tôi, chị Đinh Thị Lan, một người bán rau trước cổng làng kể lại: "Khoảng 6h khi tôi mới dọn dẹp hàng ra quầy, quay ra quay vào đã thấy một người phụ nữ lai một cái thúng đi trên chiếc xe đạp mini đến khu vực chợ thôn Thụy Khuê. Lúc đầu chị ta đứng ở ngoài lề đường thì có mấy người đến hỏi vì tưởng bán lợn con thừa vú. Sau đó chị ta để chiếc thúng xuống chỗ nhà văn hóa thôn. Thấy mọi người ồn ào xúm lại lật thúng xem, tôi liền đi ra tận nơi nhìn thì mới biết trong thúng là đứa trẻ sơ sinh. Tôi hỏi thì người phụ nữ nói nhà khó khăn, đẻ nhiều, không có điều kiện nuôi nên đem cho. Có mấy người đến xin, trong đó có ông Sáu. Người phụ nữ sau khi trao đứa bé cho ông Sáu thì đạp xe đi luôn".
Và ông Sáu - cứu tinh của hàng chục trẻ em từ trước đến nay là người được "ưu tiên" trước. Năm nay đã đến tuổi "thất thập cổ lai hy", thế nhưng ông Sáu vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ gánh vác việc làng việc xóm. Nhớ lại buổi sáng có kỳ duyên gặp được cháu bé, ông Sáu kể: "Đêm hôm đó tôi có phiên trực ở nhà văn hóa thôn. Tầm 6h30, tôi nghe có tiếng ồn ào ngoài đường liền ra xem. Tôi thấy mấy người trong gia đình đang có đám cưới xua đuổi một người phụ nữ đi xe đạp mang theo chiếc thúng. Thì ra người phụ nữ này định bỏ lại chiếc thúng gần cửa nhà người ta nên họ sợ có đồ gì ô uế. Bị đuổi, chị ta bê chiếc thúng định bỏ vào khu vườn chỗ nhà văn hóa thôn. Thấy mọi người xúm vào xem và phát hiện ra trong thúng là đứa trẻ sơ sinh, tôi liền gọi chị ta ra hỏi. Chị ta bảo chị đẻ ra nhưng không nuôi được, tôi có lấy thì chị ta cho".
"Thế là tôi ôm cháu về nhà người con trai cả trao cho cô con dâu trưởng bảo pha nước muối với chanh rồi tắm rửa cho cháu bé. Lúc đó nếu tôi không gặp và xin cháu về thì không biết cháu sẽ ra sao vì cháu rất đói sữa, lại được bọc kín trong một ống quần, dây rốn còn dài loằng ngoằng được dùng quai nón cuốn lại. Sau đó tôi đi báo cáo sự việc với chính quyền địa phương. Nửa tiếng sau thì đại diện công an, hội phụ nữ, trạm y tế xã đều xuống làm việc. Chị Nguyễn Thị Hồng Minh trạm trưởng trạm y tế đã cắt rốn cho cháu và được UBND xã phân công đến tắm cho cháu hàng ngày. Tôi đang chờ làm giấy chứng sinh để làm khai sinh cho cháu bé".
Ông Sáu lặng lẽ nói những lời nhẹ như gió thoảng, có cảm tưởng đó là những việc quá đỗi bình thường đối với ông. Sau khi xin cháu bé về, ông Sáu đã giao cho vợ chồng người con trai thứ là Trần Văn Hùng nuôi dưỡng. Vợ chồng anh Hùng lấy nhau đã 10 năm nay mà chưa có được mụn con nào. Chạy chữa khắp nơi từ nam ra bắc, thuốc tây thuốc nam đã từng, bệnh viện nào có danh tiếng đều đã đặt chân qua, thế nhưng niềm vui được làm cha mẹ vẫn chưa đến với vợ chồng anh Hùng. "Khi thấy ông bế đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn về, vợ chồng tôi muốn mừng rơi nước mắt. Nhà tôi mấy ngày qua tấp nập người ra vào thăm hỏi. Mẹ vợ tôi ở tận Thạch Thất cũng lóc cóc đi hái lá chè xanh mang sang để tắm cho đứa "cháu ngoại" đây này", anh Hùng hào hứng tâm sự.
Và quả thực, gặp chúng tôi, bà chìa 2 gói bim bim để lẫn trong túi trà xanh ra khoe: "Trên đường đi tôi mua cho cháu nhưng đến nơi mới nhớ là cháu vừa chào đời được có mấy ngày. Cứ quen mua quà cho mấy đứa cháu lớn hơn".
Khi chúng tôi vào thăm cháu bé thì chị Kiều Thị Hướng, vợ anh Hùng, đang ngồi ngắm đứa con gái kháu khỉnh ngủ ngon lành. Tình mẫu tử và thiên chức của người mẹ bị dồn nén trong chị gần chục năm qua giờ dành cả cho đứa con nuôi mà ông trời đã thương gửi vào gia đình chị. Giém lại chiếc chăn hoa cho con, chị Hướng tâm sự trong niềm hạnh phúc: "Cháu bé nặng 2,7 kg và ăn ngoan, ngủ tốt. Tôi không biết cháu là con ai nhưng khi cháu đã vào cửa nhà tôi thì vợ chồng chúng tôi sẽ thương yêu cháu như con ruột. Tôi nghĩ rằng mình cứ dành tình cảm cho cháu, nuôi cháu nên người thì về sau, kể cả khi cháu biết chúng tôi là bố mẹ nuôi, cháu vẫn sẽ yêu thương và coi chúng tôi như người mang nặng đẻ đau ra cháu". Với "đứa con" do ông nội mang lại, hai vợ chồng quyết định đặt tên là Trần Ánh Dương với mong muốn cuộc đời cháu sau này luôn tươi sáng.
‘ Con dâu ông Sáu đang chăm sóc những đứa trẻ được ông cứu sống
Người đàn ông mang tâm Phật
Có được suy nghĩ tốt đẹp như trên là do những người con của ông Sáu đều rất kính trọng và coi ông như "Bụt sống". Trong cuộc đời của mình, ông Sáu đã cứu hàng chục người thoát chết. 7 người trong số đó đã nhận ông làm cha nuôi và luôn qua lại làm tròn bổn phận của người con. Khi chúng tôi hỏi lại chuyện này, ông Sáu lại thì thào: "Mọi người cứ nghĩ quá thành to chuyện. Với tôi thì rất đỗi bình thường. Nhiều người được tôi cứu sống thì nhận làm cha nuôi và rất hiếu thuận. Cũng có người thì không bao giờ quay trở lại. Nhưng tôi đâu cần những lời cảm ơn hay đền đáp".
Và như lời ông Sáu, ông tích phúc là để cho con cháu của mình. Đến bây giờ nếu tính cả con nuôi, ông Sáu đã có hơn 40 đứa cháu nội, ngoại. Và trong vô vàn những kỷ niệm trong mỗi dịp cứu một ai đó, ông Sáu vẫn nhớ như in kỳ duyên gặp được 6 người con nuôi, cũng đều là những người chết trượt. Người con nuôi đầu tiên của ông là Nguyễn Sơn Năm ở cùng thôn. Lúc khoảng 12 tuổi, Năm trèo lên cây muỗm và bị ngã từ trên cao xuống. Khi đó Năm ngất đi còn mọi người xung quanh thì đều cuống lên nhưng không ai dám động vào. Ông Sáu nhanh chóng bế Năm đi viện và may mắn đã được cứu sống. Lúc Năm tỉnh lại rồi thì gia đình mới biết tin tìm đến. Giờ anh đã trưởng thành, hiện đang là cán bộ ngân hàng ở huyện Quốc Oai và đã có 2 con.
"Người con nuôi thứ 2 của tôi tên là Nguyễn Nho Bảng ở thôn Thụy Khuê. Ngày còn bé, có lần Bảng ra ao gần nhà tập bơi rồi bị đuối nước. Đang ngồi chơi trên bờ, tôi thấy Bảng chìm nghỉm liền nhảy xuống vớt lên. Sau khi được sơ cứu, Bảng mới thoát khỏi tay thủy thần".
Với những lần cứu người, thì những ca dưới nước là ông Sáu thường xuyên gặp. Chuyện thì nhiều nhưng ông Sáu không thể quên lần cứu được người thanh niên (sau này cũng là con nuôi ông) tên Sơn. Đó là năm 1972, khi đó ông Sáu đang công tác tại huyện đội Quốc Oai và được phân công vào thôn tuyển quân. Những lúc rảnh rỗi, ông thường ra trường mẫu giáo gần đó trò chuyện với các cô giáo. Một lần ông Sáu ra chơi thì không thấy các cô trong lớp nên mới ra vườn tìm. Đi qua chiếc giếng, ông thấy có gì đó nhấp nhô trong đám bèo tây. Lúc đầu ông nghĩ là… có con cá to nhưng nhìn kỹ mới tá hỏa vì phát hiện ra đó là một cháu bé khoảng 3 tuổi. Không suy nghĩ gì nhiều, ông vội vàng ôm đứa bé lên và chạy về huyện đội. Đốt bao nhiêu rơm sưởi cho đứa nhỏ và cố gắng dốc nước ra. Khi thấy nó nôn ra cả cơm thì ông Sáu đã nghĩ là không cứu được. Thế nhưng ông vẫn cố gắng sơ cứu, một lúc lâu sau thì đứa bé tỉnh. Ông vội vàng vào lấy cái chăn dày của bộ đội ra cuốn quanh đứa bé, khoảng nửa tiếng sau thấy đứa nhỏ bật khóc và ông Sáu biết là đã sống.
Và như lời ông, đấy cũng là người con nuôi đáng quý nhất, ông làm ngôi nhà này một tay Sơn trông nom, giúp đỡ. Nhớ lại lúc nãy ngồi quán nước trước cổng làng, ngồi hỏi chuyện ông Sáu, bà hàng nước không ngớt lời thán phục khi kể có lần, ông Sáu còn lao vào gầm xe công nông lôi người con nuôi Nguyễn Hữu Mạnh thoát khỏi tử thần khi bị xe cuốn vào và kéo đi gần chục mét. Lúc đó Mạnh bị thương rất nặng, gần chết nhưng ông Sáu vẫn chạy đôn đáo nhờ được người có xe máy đưa Mạnh đi cấp cứu. Mạnh sống là nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Sài Sơn có thắng cảnh Chùa Thầy và không ít du khách đã phải mắc nợ một món nợ ân tình đối với ông Trần Văn Sáu khi ông thực sự đã trở thành những ân nhân của họ. Cách đây không lâu, có một tốp học sinh ở Hà Nội rủ nhau đi thắng cảnh Chùa Thầy. Một cậu học sinh tên Vinh đã trượt chân ngã xuống hang Cắc Cớ. Bất chấp nguy hiểm, ông Sáu đã đốt đuốc tụt xuống đáy hang cõng Vinh trèo lên rồi đưa xuống thẳng UBND xã Sài Sơn dưới chân núi. Vinh đã được cứu sống sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Những người đã từng được ông Sáu cứu đến giờ vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi ông mỗi khi có dịp trở lại Chùa Thầy. Với tấm lòng từ bi của mình, ông Sáu thực sự trở thành một vị cứu tinh, một "ông bụt" dưới chân núi Sài Sơn nơi xứ Đoài mây trắng.