Xơ vữa động mạch chân có nguy hiểm?

Linh Chi, icon
02:52 ngày 25/08/2019

VTV.vn - Bệnh động mạch ngoại biên ở chân là biểu hiện của xơ vữa động mạch, người bệnh có nguy cơ cao về nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong tim mạch.

Hình minh họa.

Chân đi khập khiễng, đau bắp chân, đau chân khi gắng sức... là những dấu hiệu điển hình của xơ vữa động mạch. Bên cạnh đó, có rất nhiều bệnh nhân không có triệu chứng hay biểu hiện gì, khi đi khám cũng phát hiện bị xơ vữa động mạch chân.

Đáng lưu ý, ở người bị đái tháo đường, lớn tuổi, di chứng thần kinh làm cho vận động đi lại ít, xơ vữa động mạch chân hầu như không bộc lộ được triệu chứng. 

Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm các động mạch ở tim, não, thận, tay, chân...

Hiện nay chưa xác định nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch, tuy nhiên, một số đặc điểm hoặc thói quen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như huyết áp cao; hút thuốc lá; người mắc bệnh tiểu đường; người thừa cân, béo phì, thiếu hoạt động thể chất; chế độ ăn uống không lành mạnh; người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm.

ThS.BS Bùi Thị Xuân Nga, Chuyên Khoa Tim mạch, Bệnh viện Quốc tế City chia sẻ: Điều trị xơ vữa động mạch có thể bao gồm những thay đổi lối sống như chế độ ăn uống thích hợp, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, kiểm soát căng thẳng, hoạt động thể lực và bỏ hút thuốc lá. Kết hợp với việc dùng thuốc tùy theo tình trạng bệnh: thuốc điều chỉnh các rối loạn lipid máu; hạ huyết áp; thuốc hạ đường huyết; ngăn ngừa cục máu đông. Điều quan trọng là phải uống thuốc thường xuyên theo toa của bác sĩ đồng thời với một lối sống lành mạnh cho tim.

Sở dĩ người bệnh phải bỏ hút thuốc lá vì thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh xơ vữa. Thuốc lá làm thúc đẩy sự co mạch ở các mạch máu xơ vữa, làm gia tăng kết dính tiểu cầu, tăng fibrinogen, Hct và hậu quả làm tăng độ quánh của máu.

Người bệnh cũng cần luyện tập để cải thiện chức năng, gia tăng kỹ năng đi bộ. Qua đó cải thiện được mức độ đau. Có thể đi trên thảm lăn hoặc đi bộ trên đường đủ cường độ để tạo ra khập khiễng cách hồi, sau đó sẽ nghỉ cho đến khi hết đau và tập lại. Mỗi đợt tập luyện kéo dài 30 - 60 phút, tiến hành 3 lần trong tuần và trong 3 tháng.

Bên cạnh đó, người bệnh cần giữ cân nặng ở mức bình thường, chế độ ăn uống thích hợp (ăn nhiều chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đạm thực vật hoặc đạm từ cá, gia cầm, ăn ít chất béo bão hòa và ít cholesterol)...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục