Uống 500ml rượu mỗi ngày, người đàn ông nhập viện vì viêm gan nhiễm độc

Tuấn Bảo, icon
08:33 ngày 14/01/2021

VTV.vn - Lạm dụng rượu, bia rất có hại cho sức khỏe, tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì bị viêm gan nhiễm độc, xơ gan do rượu.

Hình minh họa.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận một bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì tình trạng viêm gan nhiễm độc do rượu.

Bệnh nhân N.K.Q, 39 tuổi, tại Gia Lâm, Hà Nội đến khám vì lý do một tháng nay xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ, đau mỏi các khớp kèm theo đau tức bụng vùng thượng vị (trên rốn), bị tiêu chảy 3 - 4 lần/ngày. Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết: Bản thân đã uống rượu nhiều năm trên 500ml/ngày.

Sau khi được các bác sĩ trực tiếp khám lâm sàng nhận định tình trạng bệnh, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm đánh giá công thức máu, các yếu tố đông máu, chức năng gan, thận, viêm gan virus, đường máu, mỡ máu, siêu âm ổ bụng và đàn hồi mô gan, nội soi thực quản dạ dày để tìm nguyên nhân gây ra các biểu hiện bất thường.

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy: Tất cả các chỉ số men gan đều tăng cao, đặc biệt chỉ số đánh giá tình trạng nhiễm độc gan tăng hơn 90 lần so với giới hạn bình thường 8-61U/L... Kết quả chấn đoán hình ảnh, siêu âm ổ bụng thấy xơ gan, gan nhiễm mỡ độ II, túi mật to; Nội soi viêm dạ dày, sẹo loét hành tá tràng.

Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị cho đến khi tình trạng bệnh ổn định.

BSCKI. Bùi Văn Hải - Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: Rượu, bia là những loại đồ uống có chứa cồn ethanol với nồng độ khác nhau nên khi uống quá nhiều sẽ gây độc cho cơ thể. Đặc biệt tại gan, 90 - 95% rượu được chuyển hóa để xử lý đào thải (còn lại rượu sẽ bài tiết qua thận, da, phổi), vì vậy, đây là cơ quan chịu tác động lớn nhất những hậu quả do rượu gây ra như men gan tăng cao, viêm gan nhiễm độc, xơ gan, thậm chí ung thư gan nếu bệnh tiến triển.

Rượu cũng làm ảnh hưởng xấu đến các cơ quan khác, từ miệng, thực quản, dạ dày… nồng độ cồn cao gây kích ứng niêm mạc, viêm loét, chảy máu dạ dày, tăng nguy cơ ung thư tiêu hóa. Rượu vào máu, được hệ tuần hoàn vận chuyển đến khắp các mô trong cơ thể làm giãn mạch, cảm giác nóng và hạ huyết áp. Khi đến não, rượu tác động lên hệ thần kinh, tùy thuộc vào nồng độ cồn trong máu mà có các trạng thái khác nhau như hưng phấn, kích động, ảo giác, loạn thần, giảm hoặc mất khả năng kiểm soát hành vi, chức năng của cơ thể (ức chế hoạt động thần kinh, làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và tư duy). Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Viêm gan nhiễm độc do rượu rất nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong. Để phát hiện và cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, bác sĩ Hải chia sẻ những dấu hiệu cảnh báo viêm gan nhiễm độc do rượu mà người dân nên cảnh giác như: mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng; sụt giảm cân nặng; buồn nôn, ói mửa; đau bụng.

Đặc biệt, với nhóm người nghiện rượu nặng, lâu năm, nếu không phát hiện và điều trị có thể dẫn đến xơ gan cổ trướng, suy gan, thận nặng.

Đồng thời, bác sĩ Hải cũng khuyến cáo: Người dân nên hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia. Trong trường hợp bất khả kháng, cần tránh uống vào lúc đói và kèm với nước có gas hay caffeine, uống chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục