Trẻ bị hoại tử ngón chân vì đắp thuốc nam chữa rắn cắn

P.V, icon
06:00 ngày 19/08/2024

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhi 9 tuổi nhập viện với vết thương chảy máu, sưng nề, có dấu hiệu hoại tử ngón 4 bàn chân trái.

Theo người nhà kể lại, bệnh nhi đang chơi trong nhà thì bị rắn không rõ loại cắn vào ngón chân. Sau cắn, ngón chân chảy máu, đau nhiều, người nhà đã dùng thuốc nam đắp vào vết thương rồi đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế.

Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã thực hiện truyền dịch, kháng sinh và chuyển tuyến bệnh nhi đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Các bác sĩ cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị rắn cắn. Nguyên nhân chủ yếu là do thời điểm hiện tại đang vào mùa rắn hoạt động mạnh, thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt… Nếu không may bị rắn độc cắn có thể gây tử vong, thường là suy hô hấp do liệt cơ. Các loại rắn gây liệt thường là rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, một số trường hợp là rắn hổ mang, rắn biển…

Nọc độc của rắn từ vị trí cắn về tuần hoàn hệ thống chủ yếu theo con đường bạch huyết. Liệt cơ thường xuất hiện trong vòng 1 đến vài giờ sau khi bị cắn. Một số trường hợp vết cắn vào tĩnh mạch liệt rất nhanh ngay sau khi bị cắn. Bệnh nhân có thể bị liệt cơ, suy hô hấp và tử vong trên đường vận chuyển tới cơ sở y tế.

Các bác sĩ cũng hướng dẫn, nếu không may bị rắn cắn, bệnh nhân cần được băng ép bất động rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Khi vận chuyển bệnh nhân cần lưu ý, vùng bị cắn cần hạn chế vận động và để thấp hơn vị trí của tim.

Khi bị rắn cắn, tuyệt đối không tin vào thầy lang, không tự ý dùng lá thuốc, dùng hòn đá chữa rắn cắn, trích rạch, gây điện giật hay chữa bằng mẹo... Điều này hết sức nguy hiểm, có thể làm tình trạng bệnh nhân thêm trầm trọng như hoại tử mức độ tối đa, biến chứng nặng hoặc tử vong, khi đến các cơ sở y tế thì đã quá muộn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục