Tắc tá tràng bẩm sinh - Hiếm gặp nhưng có thể phát hiện sớm

Văn Thành, icon
08:35 ngày 11/02/2021

VTV.vn - Tắc tá tràng bẩm sinh ở trẻ là bệnh hiếm gặp với tỷ lệ mắc từ 1/5.000 đến 1/10.000 trẻ sinh ra.

Theo ThS.BS. Nguyễn Đức Lân, Trưởng Khoa Ngoại nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, tắc tá tràng là bệnh lý hiếm gặp, có thể do những nguyên nhân từ bên trong lòng tá tràng cũng như bên ngoài tá tràng. Tắc tá tràng thường xuất hiện những biểu hiện sớm sau sinh, bao gồm nôn ra dịch sữa và dịch xanh, vàng.

Hiện nay, với sự phát triển của siêu âm chẩn đoán trước sinh, bệnh lý tắc tá tràng bẩm sinh hoàn toàn có thể phát hiện sớm ở thời kỳ bào thai. Các sản phụ trong quá trình mang thai cần thực hiện đầy đủ các mốc siêu âm quan trọng và các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi nếu có. Từ đó, có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

Trước đây, các trường hợp trẻ bị tắc tá tràng có cân nặng dưới 2,5kg, thường được thực hiện phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở, với một đường rạch dưới sườn khoảng 10cm để tìm vị trí tắc và khâu nối tá tràng. Tuy nhiên, với những bệnh nhi có thể trạng tốt, cân nặng đảm bảo và không có các dị tật kèm theo, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi nối tá tràng qua vị trí tắc tá tràng.

So với việc phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở như trước đây, việc ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị tắc tá tràng bẩm sinh có rất nhiều ưu điểm như: thời gian đau sau mổ ngắn và mức độ đau nhẹ, hạn chế tối đa các biến chứng, viêm nhiễm; đồng thời bệnh nhi cũng hồi phục rất nhanh sau phẫu thuật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục