Quan tâm chăm sóc hậu COVID-19 cho người dân

P.V, icon
09:52 ngày 13/01/2022

VTV.vn - TP. Hồ Chí Minh có hơn 300.000 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện, do đó, các nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe hậu COVID-19 rất đáng quan tâm.

Hình minh họa.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh năm 2021 chiều ngày 12/1, lãnh đạo Sở Y tế cho biết: Thành phố có gần 500.000 ca mắc COVID-19 (chiếm khoảng 5% dân số của thành phố), trong đó, có hơn 300.000 người đã xuất viện.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33 - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh; 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Hội chứng hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh nặng cần nhập viện hoặc lớn tuổi có bệnh đồng mắc, mà còn gặp ở những người trẻ tuổi và khỏe mạnh và mắc bệnh nhẹ.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Anh Dũng, tác động lâu dài của COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, phổi, da, tâm thần, tim mạch... Người bệnh hậu COVID-19 còn phải đối mặt với mệt, đau cơ, đau khớp, bệnh thần kinh ngoại biên, thiếu máu ngoại biên chi…

Tác động của "hội chứng hậu COVID-19" không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn tác động đến công việc, xã hội và kinh tế. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay với các chiến lược tiếp cận sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội; chiến lược can thiệp sớm với việc điều trị, chăm sóc sớm cho người mắc hội chứng hậu COVID-19.

Thời gian tới, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu nhiễm COVID-19, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu COVID-19, đặc biệt tại các tuyến y tế cơ sở và xây dựng hướng dẫn điều trị hậu COVID-19 theo các phân tuyến điều trị với các mô hình như: y tế cơ sở đảm nhận chăm sóc nhóm người bệnh hậu COVID-19 mức độ nhẹ; tiếp cận, phát hiện các vấn đề sức khỏe; quản lý chăm sóc; tư vấn từ xa; cùng với đó, là điều trị bằng phương pháp thực dưỡng, phương pháp điều trị không dùng thuốc, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

Bệnh viện tuyến quận, huyện chăm sóc nhóm người bệnh COVID-19 mức độ trung bình; khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng... Đối với bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối chăm sóc nhóm người bệnh COVID-19 mức độ nặng; khám và điều trị chuyên khoa sâu (hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…), nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục