Phòng và điều trị cảm cúm bằng y học cổ truyền

Minh Châu, icon
09:12 ngày 01/12/2019

VTV.vn - Cảm cúm là bệnh thường gặp hiếm khi gây ra tử vong nhưng bệnh cũng tạo nhiều biến chứng và gây ra một số bệnh cấp tính và mãn tính khác.

Đối với trẻ em, khi mắc cúm khiến cho các em phải nghỉ học nhiều hơn bất kỳ loại bệnh nào khác, và nó cũng gây tổn thất lớn lao cho năng suất lao động ở người trưởng thành. Dưới đây là một số biện pháp phòng và điều trị cảm cúm theo kinh nghiệm dân gian và các phương pháp y học cổ truyền:

Cảm mạo và cảm cúm xuất hiện quanh năm, khi trái gió trở trời, bệnh thường gặp về mùa lạnh, khi cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột làm cho chính khí suy kém hoặc do cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của khí hậu mà gây ra chứng cảm mạo. Cúm thường hay phát thành dịch. Theo Y học cổ truyền, phong hàn gây ra cảm mạo còn phong nhiệt gây ra cúm. Phong hàn ảnh hưởng đến phần da lông, làm cho sự bài tiết mồ hôi và sự điều hòa thân nhiệt bị thay đổi, gây ra phát sốt, ớn lạnh, ho, hắt hơi, sổ mũi... bệnh thường phát sinh về mùa đông.

Triệu chứng

- Cảm lạnh: sợ lạnh, sốt nhẹ, nhức đầu, người không ra mồ hôi, sổ mũi, ngạt mũi, ho khan, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

- Cảm nhiệt: nóng sốt, có cảm giác sợ gió, không sợ lạnh, ra mồ hôi nhiều, nhức đầu, khô trong họng, khô mũi có thể gây chảy máu cam, có thể nôn ói hoặc tiêu chảy nhẹ . Rêu lưỡi vàng, mạch phù sắc.

Đề phòng cảm cúm

- Nên uống thêm nước và nghỉ ngơi, ngủ đủ, ăn nhiều hoa quả tươi để cung cấp khoáng chất và sinh tố, nhất là các loại chứa nhiều vitamin C như cam, cà chua, rất tốt cho cơ thể.

- Tránh để cho cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột, về mùa lạnh nên giữ ấm cổ ngực và tránh nơi gió lùa.

- Nếu khi bị cúm tránh lây bệnh cho người khác, nên ăn ngủ riêng một vài ngày và cố tránh xa các cháu bé. Khi ho, hắt hơi, người bệnh cần che miệng và mũi lại để hạn chế virus cúm phát tán ra ngoài không khí.

- Khi bị sổ mũi, ngạt mũi ở người lớn và trẻ lớn nên dùng nước muối sinh lý (NaCl 9%) nhỏ mũi, mỗi ngày 3 - 4 lần. Nên lau mũi, hạn chế việc bịt một bên mũi rồi cố sức hỉ mũi thật mạnh là không tốt, có thể làm cho bệnh cảm cúm gây biến chứng viêm tai, viêm xoang.

Điều trị

Cảm lạnh và cảm cúm thường tự khỏi, không cần dùng thuốc kháng sinh trừ khi có bội nhiễm, có thể sử dụng thuốc hạ nhiệt giảm đau. Nên áp dụng các phương pháp giải cảm của y học cổ truyền như:

- Nấu nồi xông giải cảm:

Các loại lá có tinh dầu: lá sả, lá chanh, cây hương nhu, lá kinh giới, bạc hà... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp.

Các cây có tác dụng kháng khuẩn: hành tỏi, hoắc hương, cây cứt lợn...

Các cây có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá chuối, lá tràm...

Chỉ định cho các trường hợp cảm lạnh, nóng sốt khi mới bị nhiễm bệnh. Một số cây thuốc thường dùng để xông là những dược liệu có tinh dầu như: lá sả, lá chanh, ngải cứu... mỗi thứ một nắm khoảng 30 - 40g. Cho tất cả vào nồi, đổ nước cho ngập dược liệu rồi đun sôi 5 phút khi đã có mùi thơm thì bớt lửa, mang nồi xông đặt nơi kín gió, cởi bỏ quần áo ngồi trước nồi xông, lấy vải trùm kín người, mở nắp nồi để cho hơi nước bay vào người, thời gian xông từ 5 - 10 phút, khi nào mồ hôi ra đều toàn thân thì ngưng xông và lau sạch mồ hôi bằng khăn sạch. Chống chỉ định xông khi người ra nhiều mồ hôi, mất nước, phụ nữ có thai và trẻ em.

- Cháo giải cảm: Hành tăm cả rễ 20 g, gừng tươi 10g, gạo nếp 50g.

Cách chế biến: hành thái nhỏ, gừng thái tăm hoặc giã nhỏ, gạo nếp nấu cháo loãng, khi cháo chín, múc ra lúc cháo đang sôi, cho hành và gừng vào quấy đều, ăn lúc còn đang nóng, sau đó trùm chăn kín cơ thể cho ra mồ hôi. Nếu ra nhiều mồ hôi không nên dùng bài thuốc này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục