Phẫu thuật ung thư dạ dày tái phát xâm lấn nhiều tạng

P.V, icon
12:00 ngày 25/06/2024

VTV.vn - Nam bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đã phẫu thuật ở bệnh viện tuyến trên, gần đây tái phát xâm lấn đuôi tụy, lách, thùy gan trái, cơ hoành trái và đại tràng góc lách.

Bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân B.X.Q. (55 tuổi, trú tại Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình) bị ung thư dạ dày và được phẫu thuật cắt đoạn dạ dày từ năm 2019. Khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân thấy đau bụng âm ỉ thượng vị, ăn ngủ kém, mệt mỏi gầy sút nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để thăm khám.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư dạ dày tái phát tại miệng nối. Bệnh nhân được chỉ định nhập Trung tâm Ung bướu để phẫu thuật điều trị.

Quá trình phẫu thuật, các phẫu thuật viên đã bộc lộ gỡ dính các tạng trong ổ bụng, kiểm tra khối u đã xâm lấn lấn rộng ra nhiều cơ quan khác nhau. Tiếp đến, cắt toàn bộ dạ dày phần còn lại, cắt đại tràng góc lách, cắt lách, cắt một phần thùy gan trái, cắt đuôi tụy, cắt bỏ một phần cơ hoành trái và vét hệ thống hạch di căn.

Sau hơn 4 giờ, ca phẫu thuật đã bước đầu thành công loại bỏ hoàn toàn khối u và phần tổ chức ung thư xâm lấn. Sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục ổn định được xuất viện sau 12 ngày chăm sóc hậu phẫu tích cực.

BSCKII. Nguyễn Phúc Kiên – Giám đốc Trung tâm Ung bướu cho biết: Trường hợp của bệnh nhân Q. là ca bệnh rất khó và phức tạp, do bệnh nhân đã mổ cách đây 5 năm, các mốc giải phẫu thay đổi, các tạng trong ổ bụng dính với nhau nhiều và đặc biệt khối u đã xâm lấn rộng ra các tạng xung quanh. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ cho thấy, tất cả các bộ phận cắt ra đều có tổ chức ung thư xâm lấn.

Với những người bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm (tế bào ung thư mới nằm ở lớp niêm mạc dạ dày) nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì tỉ lệ bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoàn toàn và thời gian sống thêm khoảng 5 năm lên đến hơn 90%, 10 năm là 70%. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn và do nhận thức của người bệnh còn hạn chế, đa số bệnh nhân ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn tiến triển muộn, tế bào ung thư phát triển mạnh đã lan rộng, xâm lấn ra các vùng xung quanh, di căn vào hệ thống mạch máu, hạch bạch huyết và các cơ quan khác nên việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp, cơ hội sống còn của bệnh nhân sẽ giảm.

Việc phát hiện sớm bệnh là vô cùng quan trọng, quyết định hiệu quả điều trị, tăng cơ hội sống, giảm gánh nặng và chi phí điều trị cho người bệnh. Vì vậy, người dân trên 40 tuổi nên định kỳ khám sức khỏe, làm các xét nghiệm như: siêu âm, X-quang, nội soi dạ dày, đại trực tràng… xét nghiệm máu, miễn dịch để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý ung thư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục