Những ai cần tầm soát ung thư vòm họng?

Minh Đức, icon
06:10 ngày 25/09/2019

VTV.vn - Những người có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn nhiều muối... cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.

Những căn bệnh ung thư thường khiến nhiều người ám ảnh bởi tốc độ tàn phá sức khỏe cực kỳ nhanh chóng. Hiện nay, bệnh ung thư vòm họng là một trong những bệnh lý ác tính có tỷ lệ mắc tăng nhiều trong những năm gần đây, nguyên nhân gây bệnh được xác định là có một phần liên quan đến chế độ ăn uống quá nhiều muối và thói quen hút thuốc lá.

Thực hiện tầm soát để phát hiện sớm ung thư vòm họng

Bác sĩ Trần Thị Hợp (Bệnh viện K) cho biết, ung thư vòm họng thường được phát hiện ở giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị thường thấp, chi phí cao. Tuy nhiên căn bệnh này hoàn toàn có thể được phát hiện sớm và điều trị khỏi nhờ tầm soát ung thư.

Tầm soát ung thư vòm họng chính là việc thực hiện các kiểm tra, thăm khám và xét nghiệm tại khu vực vòm họng, xung quanh vòm họng nhằm phát hiện những triệu chứng bất thường, từ đó đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu và giảm thiểu tối đa hậu quả của bệnh gây ra.

Tầm soát ung thư vòm họng có thể được thực hiện khi không có dấu hiệu của bệnh hoặc khi có các dấu hiệu nghi ngờ về bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ thì nên ngay lập tức đến cơ sơ y tế để làm tầm soát ung thư. Được biết, ung thư vòm họng ở giai đoạn đầu có rất ít triệu chứng, triệu chứng không đặc hiệu dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của bệnh khác, thậm chí không có biểu hiện gì. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện khá muộn, một số biểu hiện có thể xuất hiện sớm hơn nhưng không đặc hiệu. Chính vì vậy, tầm soát sẽ giúp phát hiện bệnh sớm để có thể can thiệp kịp thời và tăng khả năng điều trị thành công.

Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân nên đến cơ quan y tế để thực hiện tầm soát. Dấu hiệu có thể gặp ở bệnh như: Ngạt mũi kéo dài, có thể chảy máu mũi; Giảm thính lực, đau ù tai, viêm tai giữa; Giảm thị lực, lác mắt, ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác; Sưng hạch bạch huyết ở cổ; Gầy sút cân không rõ nguyên nhân; Đau mỏi xương khớp, có thể sốt không rõ nguyên nhân.

Những đối tượng nào cần tầm soát ung thư vòm họng?

Theo thống kê, bệnh gặp nhiều nhất ở độ tuổi từ 40 - 60 tuổi và nam gặp nhiều hơn nữ. Do đó nam giới từ 40 tuổi trở lên và những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thì việc xét nghiệm nên được thực hiện định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra trong cùng một gia đình có nhiều người bị mắc ung thư vòm họng có liên quan tới yếu tố gen, do đó những người có tiền sử gia đình có người mắc bênh ung thư vòm họng thì nên thực hiện định kỳ tầm soát bệnh.

Những người thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích; những người có chế độ ăn nhiều cá muối, thịt muối, đồ ăn lên men cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.

Hiện tại thì các bệnh viện lớn của tỉnh và thành phố vẫn là những địa điểm tin cậy để thực hiện tầm soát thăm khám và điều trị ung thư. Ngoài ra nhờ sự chuyển giao và đầu tư công nghệ một số bệnh viện tuyến dưới cũng có khả năng tầm soát và phát hiện ung thư sớm.

Việc phát hiện sớm ung thư có thể giúp bác sĩ áp dụng những phương pháp điều trị tối ưu, để chữa khỏi hoặc kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Kết quả của việc điều trị ung thư phụ thuộc rất nhiều vào ý thực tự phòng bệnh và đi thăm khám sớm của người bệnh. Do đó để tránh những hậu quả đáng tiếc do bệnh gây ra mọi người nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư khi có những dấu hiệu nghi ngờ và thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bác sĩ Hợp cũng khuyến cáo, để phòng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, nên hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Trong ăn uống hạn chế ăn các loại thực phẩm khô như cá khô, các loại thực phẩm lên men như dưa cà muối, thực phẩm ăn nhanh, nhiều chất bảo quản như xúc xích, thịt hun khói, thức ăn chiến rán nhiều lần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục