Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết thể nặng, đe dọa tính mạng

P.V, icon
03:22 ngày 06/05/2022

VTV.vn - Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết Dengue trong tình trạng sốc, suy đa cơ quan.

Điều trị tích cực cho trẻ mắc sốt xuất huyết. Ảnh: BVCC

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu tháng 4/2022 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc thể nặng nhất đe dọa tính mạng của sốt xuất huyết Dengue là sốc nặng kèm suy đa cơ quan. Việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được.

Đã có những trường hợp gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm được bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue, dẫn đến khi trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 đã ở giai đoạn muộn.

Theo báo cáo giám sát dữ liệu sốt xuất huyết Dengue các tỉnh thành phía Nam trong năm 2021 là năm dịch COVID-19 chiếm ưu thế trong mô hình bệnh tật, tổng số trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue chung ở tất cả nhóm tuổi giảm 32% so với năm 2020; tuy nhiên tỷ lệ trẻ em mắc sốt xuất huyết Dengue/tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue năm 2021 lại có xu hướng tăng so với năm 2020 (tương ứng 51% so với 43,8%). Tỷ lệ bị sốt xuất huyết Dengue nặng ở trẻ em là 2,6%, tăng so với năm 2020 (1,8%). Tỷ lệ tử vong/sốt xuất huyết Dengue nặng ở trẻ em là 2,3%, cũng cao hơn năm 2020 (1,9%).

Theo các bác sĩ, những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với bệnh cảnh COVID-19 nên dễ bỏ sót. 

Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay là thời điểm bước vào mùa mưa năm 2022 tại phía Nam, phụ huynh cần chủ động phòng tránh sốt xuất huyết Dengue cho trẻ như sau:

- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết Dengue, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, quanh khu vực sống đã có người bị sốt xuất huyết Dengue, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Phụ huynh không nên chủ quan, hoặc tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ để tránh bỏ sót bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em, bởi trẻ có thể chuyển nặng đột ngột vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục