Người bệnh đái tháo đường bị nhiễm trùng, hoại tử bàn chân do tự ý dùng thuốc

Vũ Nhi, icon
05:24 ngày 22/06/2022

VTV.vn - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa qua tiếp nhận nam bệnh nhân 57 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, hoại tử loét bàn chân trái.

Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, gout nhiều năm nay. Trước khi nhập viện khoảng 2 tuần, bệnh nhân có xuất hiện sưng đau bàn chân trái.

Sau đó, chỗ sưng tấy lan rộng toàn bộ bàn chân và cẳng chân trái, có điểm hóa mủ kèm theo sốt nóng, sốt rét từng cơn. Bệnh nhân không đi khám mà tự mua và dùng thuốc nam.

Sau khi dùng thuốc, tình trạng bệnh không đỡ mà bệnh nhân thấy mệt nhiều, sốt, sưng đau, chảy mủ chân tăng lên. Lúc này, bệnh nhân mới nhập viện để điều trị.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), loét hoại tử bàn chân trái, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, đợt cấp gout mạn, suy vỏ thượng thận do thuốc nam.

Theo ThS.BS Nguyễn Thùy Dung, Khoa Nội tiết, trường hợp bệnh nhân này tình trạng nhiễm khuẩn rất nặng có nguy cơ cắt cụt chi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân đã được sử dụng kháng sinh chống viêm, nhiễm trùng, kết hợp với sử dụng thuốc để kiểm soát đường máu, huyết áp, lipid máu, hormone tuyến thượng thận. Bên cạnh đó là chăm sóc vết loét bàn chân bằng cách cắt lọc tổ chức hoại tử.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Người bệnh đái tháo đường cần vệ sinh và kiểm tra bàn chân hàng ngày. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc không được bác sĩ kê đơn

Khi phát hiện tổn thương viêm loét bàn chân không được tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục