Nam thanh niên nhập viện vì rối loạn tâm thần, hành vi do sử dụng cần sa

P.V, icon
05:41 ngày 06/08/2023

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận nam bệnh nhân (19 tuổi, trú tại Hà Nội) đến khám do hay quên, bồn chồn, lo lắng, run tay.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Bệnh nhân cho biết: Hơn 1 năm nay có hút cần sa, bóng cười và thuốc lá điện tử. 4 tháng nay, bệnh nhân không sử dụng bóng cười, nhưng vẫn sử dụng cần sa, thuốc lá điện tử.

Gần đây, bệnh nhân thấy mệt mỏi, run tay chân, bồn chồn, lo lắng, quên trí nhớ gần, giảm tập trung công việc, giảm các thú vui/ sở thích, khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc. Bệnh nhân hay cáu gắt, thường xuyên có xung đột với mọi người xung quanh, thích ở một mình, có cơn hồi hộp, ăn uống kém ngon miệng.

Thăm khám cho bệnh nhân, BSCKII. Nguyễn Đình Tuấn - Chuyên khoa Thần kinh cho biết: Khám toàn thân về mạch, huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn không có gì bất thường. Tuy nhiên, khám tâm thần có rối loạn hành vi, hưng cảm nhẹ, có hoang tưởng bị hại và một số triệu chứng tâm thần khác.

Bệnh nhân có chẩn đoán ban đầu là rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác, vì vậy, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm hóa sinh và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Kết quả xét nghiệm sàng lọc nhanh phát hiện dương tính với THC (cần sa - marijuana); kết quả xét nghiệm sinh hóa khác có một số biến đổi. Vì vậy, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa (Hội chứng nghiện-F12.2) nên được tư vấn điều trị nội trú theo chuyên khoa.

Bác sĩ Tuấn chia sẻ, những trường hợp sử dụng chất gây nghiện như hút bóng cười, cần sa, hút thuốc lá điện tử thường gặp ở các đối tượng việc làm không ổn định, do sự buông lỏng, hoặc không quản lý chặt chẽ từ phía gia đình khiến tình trạng này càng thâm nhập sâu trong giới trẻ.

Đáng lưu ý, tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học đường ngày càng gia tăng, do lớp trẻ coi đây như một trào lưu thời thượng, sự khẳng định bản thân nên ban đầu dù chỉ là thử cảm giác, nhưng sau đó đã bị lôi cuốn bởi cảm giác sảng khoải, vui vẻ, hưng phấn mà không chấm dứt được.

Theo bác sĩ Tuấn, bệnh rối loạn tâm thần, hành vi là một trong những hậu quả từ việc sử dụng các chất gây nghiện trên hiện đang phổ biến trong xã hội hiện đại và có xu hướng tăng dần ở những người trẻ tuổi. Triệu chứng người bệnh đến khám thường do mệt mỏi, hay cáu gắt, tê bì tay chân, tức ngực, run tay chân, rối loạn giấc ngủ. Vì vậy, để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng trẻ thử cảm giác mạnh này, mỗi bậc cha mẹ cần:

- Danh thời gian quan tâm, lắng nghe và theo dõi con sát sao.

- Nếu cha mẹ phát hiện con có dấu hiệu chểnh mảng học, trốn học, kém tập trung, hay quên, ăn ngủ thất thường, chóng mặt, mệt mỏi, hoặc hoang tưởng, hốt hoảng một cách vô cớ… thì cha mẹ nên cho con đi kiểm tra để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

- Trang bị cho con kiến thức, thông tin về tác hại phòng tránh để tránh bị lôi kéo.

- Học sinh được tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp giảm căng thẳng sau giờ học và tránh tìm đến các thú vui không lành mạnh.

- Tạo cho con sân chơi lành mạnh, bổ sung các hoạt động ngoại khóa để học sinh giảm căng thẳng sau giờ học.

- Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để loại bỏ khỏi thuốc ra khỏi môi trường học đường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục