Mua thuốc trôi nổi, bệnh nhân vảy nến bị biến chứng nặng

TTXVN, icon
06:08 ngày 27/10/2023

VTV.vn - Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh vảy nến bị biến chứng nặng do sử dụng các sản phẩm thuốc bôi, thuốc uống mua trên mạng xã hội.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh vảy nến bị biến chứng nặng. Ảnh: TTXVN

Mới đây, nam bệnh nhân 18 tuổi đến Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh khám trong tình trạng đỏ da, tróc vảy toàn thân. Bệnh nhân cho biết bị mắc bệnh vảy nến khoảng 1 năm nay. Cách thời điểm nhập viện khoảng 1,5 tháng, bệnh nhân thấy trên mạng xã hội quảng cáo một loại thuốc dạng viên uống và kem bôi điều trị khỏi hẳn bệnh vảy nến nên đã mua 3 liệu trình với giá 600.000 đồng. Sau khi sử dụng hết liệu trình đầu tiên, tình trạng vảy nến cải thiện rõ rệt nhưng khi ngưng uống 5 ngày thì da đỏ tróc vảy tăng dần và lan ra toàn thân kèm ngứa, da căng, đau nhức, mệt mỏi, sốt kèm ớn lạnh…

Trường hợp khác là nam bệnh nhân 49 tuổi nhập viện trong tình trạng da nổi đỏ tróc vảy lan rộng. Mắc bệnh vảy nến 18 năm nay nhưng người bệnh không khám và điều trị liên tục. Hơn 2 năm trước, bệnh nhân có lên YouTube và biết thông tin "thầy H." chuyên điều trị vảy nến nên đã đến điều trị. Trong vòng 2 năm bệnh nhân được "thầy H." cho toa và uống thuốc không rõ loại liên tục. Thời gian đầu, da người bệnh giảm đỏ, giảm vảy nhiều, tuy nhiên bệnh nhân tự thấy da mỏng hơn, mặt và bụng cũng phù lớn hơn. Khi ngưng uống và thoa thuốc thì da đỏ, tróc vảy nặng lên dần và lan ra toàn thân.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Trưởng Khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh cho biết, hai bệnh nhân trên bị đỏ da toàn thân vảy nến. Đỏ da toàn thân vảy nến là tình trạng vảy nến nặng nhất, thường do bệnh nhân không điều trị gì hay điều trị không đúng cách khiến cho tổn thương vảy nến lan rộng dần thành đỏ da toàn thân. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi hoặc suy tim… từ đó có thể dẫn đến tử vong. Các bệnh nhân sau đó được điều trị bằng acitretin, cyclosporin, thuốc kháng sinh, kháng histamin và chăm sóc tại chỗ. Sau 4 ngày điều trị, hiện tình trạng bệnh đã ổn định hơn, người bớt sưng phù, các sang thương vảy nến giảm đỏ và giảm tróc vảy.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, hiện nay y học có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, tuy nhiên vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn bệnh. Để điều trị vảy nến, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không tự ý mua thuốc, nhất là các thuốc không rõ nguồn gốc vì sẽ khiến cho vảy nến nặng lên và có thể tiến triển thành đỏ da toàn thân vảy nến.

Vảy nến là bệnh lý mạn tính, ước tính có khoảng 125 triệu người trên thế giới mắc phải. Bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi 15-35 tuổi với biểu hiện khá đa dạng từ vảy nến thể mảng, vảy nến giọt, vảy nến khớp… đến các thể bệnh nặng như vảy nến mủ toàn thân và đỏ da toàn thân vảy nến. Bệnh ảnh hưởng rất nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình. Các bác sĩ lưu ý, mặc dù các sang thương da của vảy nến nhìn có vẻ ghê sợ nhưng bệnh lý này hoàn toàn không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục