Mắc uốn ván nguy kịch sau tai nạn xe máy

Hoàng Chúc, icon
12:07 ngày 14/05/2024

VTV.vn - Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Ba Bể (Bắc Kạn) vừa tiếp nhận điều trị thành công một bệnh nhân bị uốn ván nguy kịch.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Nam bệnh nhân (17 tuổi, trú tại thôn Khuổi Xỏm, xã An Thắng, huyện Pác Nặm) nhập viện cấp cứu trong tình trạng co giật, cứng hàm, suy hô hấp, nguy kịch.

Qua kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị uốn ván nặng, cần được cấp cứu kịp thời. Để giữ được tính mạng bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng mở khí quản cấp cứu, hỗ trợ hô hấp, kết nối máy thở, tiêm thuốc kháng độc tố chống uốn ván.

Sau đó, bệnh nhân được mở một đường thở qua cổ, hút trong phổi ra rất nhiều đờm, tình trạng hô hấp dần được phục hồi.

BSCKI. Hoàng Thị Huấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc cho biết: Tạm thời bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, trong những ngày tới, bệnh nhân sẽ điều trị, sử dụng các loại thuốc kháng sinh liều cao và phụ trợ máy móc thở oxy chăm sóc phục hồi chức năng tích cực.

Theo người nhà bệnh nhân kể, cách đây khoảng gần 1 tháng, bệnh nhân bị ngã xe máy, đầu gối đập xuống nền đất và bị một vật cứng nhọn đâm vào mắt cá chân bên trái, chảy máu khá nhiều. Tuy nhiên, bệnh nhân không đến cơ sở y tế để xử lý vết thương, mà tự lấy các loại lá cây ven đường về tự đắp để cầm máu.

Cách nhập viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện há miệng hạn chế, khó nuốt, cổ họng thường có đờm nhưng khó ho khạc. Cùng ngày vào viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở, hai hàm răng cắn chặt.

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra. Khi len lỏi vào vết thương, trực khuẩn này giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào bản vận động thần kinh, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và xuất hiện các cơn co giật.

Uốn ván là một bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao, lên đến trên 95%. Thời kỳ ủ bệnh trong khoảng từ 5 - 25 ngày. Người bệnh bị nhiễm trùng uốn ván có thể tử vong, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.

Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine phòng uốn ván, tiêm nhắc lại 1 mũi sau 5-10 năm một lần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục