Khuyến cáo sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi

Minh Đức, icon
02:30 ngày 05/03/2018

VTV.vn - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi bệnh viện, viêm phổi thở máy, hỗ trợ các bác sĩ và nâng cao hiệu quả trị bệnh.

Mới đây, Hội đồng thuốc và điều trị Bệnh viện Ung bưới Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng kháng sinh với bệnh nhân viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan đến thở máy. Điều này nhằm giúp các bác sĩ lâm sàng có cái nhìn toàn diện, phương hướng điều trị để nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Đối với ngành y học, viêm phổi bệnh viện và viêm phổi máy thở là hai chứng bệnh làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và chi phí điều trị cho người bệnh. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi bệnh viện và viêm phổi liên quan đến máy thở ở mức cao, lý do là bởi tỷ lệ vi khuẩn đề kháng kháng sinh ngày càng tăng cao, cùng với chẩn đoán không kịp thời và lựa chọn liệu pháp kháng sinh ban đầu không phù hợp cũng góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong.

Được biết, viêm phổi bệnh viện là viêm phổi xuất hiện sau khi vào viện 48 giờ mà không có biểu hiện hoặc ủ bệnh tại thời điểm vào viện. Viêm phổi thở máy là viêm phổi xuất hiện sau khi đặt ống nội khí quản 48 giờ. Bệnh nhân tuổi cao, mắc bệnh mạn tính, phẫu thuật bụng hoặc ngực, tăng PH dịch dạ dày, sử dụng kháng sinh kéo dài, nhất là kháng sinh phổ rộng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, thay dây dẫn khí máy thở thường xuyên, bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, suy thận mạn tính là những yếu tố nguy cơ gây viêm phổi bệnh viện, viêm phổi liên quan đến thở máy. Thời gian thở máy cũng là yếu tố quan trọng liên quan đến viêm phổi; thời gian thở máy càng ngắn, tỷ lệ viêm phổi càng thấp; cai thở máy sớm, sử dụng máy thở không xâm nhập sẽ làm giảm viêm phổi liên quan đến thở máy. Cùng với các yếu tố nguy cơ trên, có hai nhóm vi sinh vật là vi khuẩn Gram âm hiếu khí và nhóm vi khuẩn Gram dương cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, viêm phổi liên quan đến thở máy.

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tỷ lệ bệnh nhân bị viêm phổi bệnh viện ngày càng gia tăng, nhất là trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch (giảm bạch cầu hạt trung tính). Trong khi đó xét nghiệm vi sinh lâm sàng tại bệnh viện chưa triển khai, do vậy việc xác định chính xác căn nguyên vi khuẩn không thể thực hiện được; gây ra khó khăn nhất định trong điều trị.

Xuất phát từ các lý do trên, Hội đồng thuốc và điều trị của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi bệnh viện, viêm phổi thở máy để hỗ trợ các bác sĩ và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, để ban hành được khuyến cáo sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi bệnh viện, viêm phổi thở máy để hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng, cùng với thực tiễn tại bệnh viện, Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện còn tham khảo các tài liệu hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế, Dược thư quốc gia, khuyến cáo chẩn đoán và điều trị viêm phổi bệnh viện, viêm phổi thở máy của Hội hô hấp Việt Nam và nhiều tài liệu của nước ngoài, tổ chức y tế uy tín trên thế giới.

Về nguyên tắc sử dụng kháng sinh: kháng sinh cần được chỉ định sớm nhất có thể; lựa chọn kháng sinh ban đầu thường dựa theo các yếu tố nguy cơ của viêm phổi mắc phải tại bệnh viện, mức độ nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn, nguy cơ nhiễm vi khuẩn đa kháng, mức độ nặng của bệnh, tuổi, bệnh mắc kèm, tương tác và tác dụng phụ của thuốc. Các kháng sinh lựa chọn phải bao phủ được các vi khuẩn có khả năng là tác nhân gây bệnh, liều lượng và cách dùng phù hợp theo hướng dẫn. Với những trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn vi khuẩn đa kháng hoặc viêm phổi bệnh viện nặng nên phối hợp kháng sinh.

Thời gian điều trị kéo dài từ 10 - 14 ngày cũng có thể kéo dài hơn 15 - 21 ngày nếu nhiễm các vi khuẩn đa kháng thuốc như Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter sp, Stenotrophomonas maltophilia và MRSA hoặc người bệnh có sốt kéo dài trên 30 độ C, còn đờm, mủ…Việc điều trị kháng sinh ban đầu theo kinh nghiệm, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh ban đầu theo kinh nghiệm trên bệnh nhân viêm phổi bệnh viện, viêm phổi liên quan đến thở máy bằng việc phân loại viêm phổi. Với viêm phổi bệnh viện sớm (không có nguy cơ nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc); viêm phổi bệnh viện muộn (có nguy cơ nhiễm vi khuẩn đa kháng mức độ nhẹ và vừa); viêm phổi bệnh viện muộn nặng phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực đều có phác đồ kháng sinh phù hợp để điều trị, đồng thời có hướng dẫn sử dụng các kháng sinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục