
T. lớn lên trong một gia đình, nơi tiếng cười hiếm hoi hơn tiếng cãi vã. Bố mẹ em (một lao động tự do và một giáo viên) chìm đắm trong guồng quay cơm áo, vô tình biến ngôi nhà thành không gian lạnh lẽo, thiếu vắng sự kết nối. Ở trường, T. bị bạn bè trêu là "cô độc", dần thu mình vào thế giới riêng với những cuốn nhật ký đầy nước mắt. Áp lực học tập, nhất là sau lần bị mẹ mắng vì điểm kém đã đẩy em đến giới hạn của sự chịu đựng.
Một chiều mưa, T. cầm dao lam đã chuẩn bị sẵn rạch lên tay. "Em không thấy đau, chỉ thấy nhẹ đi, như trút được gánh nặng", em kể lại. Những lần sau, vết cắt sâu dần, trở thành công cụ "kiểm soát" cảm xúc. T. mang theo dao lam trong cặp, tự rạch khi buồn chán, thậm chí không cần lý do rõ ràng. Sự đau đớn thể xác trở thành "liều thuốc" tạm thời xoa dịu nỗi đau tinh thần.
May mắn, T. được phát hiện kịp thời và đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, em được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm kết hợp liệu pháp tâm lý. Qua 30 ngày, T. học cách nhận diện cảm xúc, chia sẻ với gia đình và tìm lại niềm vui trong học tập. Câu chuyện của em là minh chứng: Tự gây thương tích không tự tử không phải vấn đề vô phương cứu chữa, mà là "tín hiệu" cần được lắng nghe.
Theo các bác sĩ, tự gây thương tích không tự tử (NSSI) là hành vi cố ý làm tổn thương cơ thể (như cắt, cào, đốt…) không nhằm mục đích kết thúc sự sống mà để xoa dịu những cảm xúc dồn nén như căng thẳng, trống rỗng hay bế tắc. Khác với xăm hình nghệ thuật hay nghi thức văn hóa, NSSI thường diễn ra trong im lặng, mang theo gánh nặng xấu hổ và tội lỗi.
Nguyên nhân sâu xa thường bắt nguồn từ môi trường gia đình đầy xung đột, nơi áp lực thành tích lấn át sự quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Những sang chấn xã hội như bắt nạt học đường, sự cô lập trong các mối quan hệ bạn bè, cùng với đặc điểm cá nhân như khó kiểm soát cảm xúc và nhạy cảm quá mức với stress, cũng góp phần đẩy các em vào vòng xoáy NSSI.
Đáng chú ý, cơ chế sinh học đằng sau hành vi này càng khiến nó trở nên khó đoạn tuyệt. Khi tự gây đau đớn, não bộ giải phóng endorphin (chất giảm đau tự nhiên) tạo cảm giác "thư giãn" tạm thời. Chính điều này vô tình biến NSSI thành thói quen, như một cách "tự chữa lành" lệch lạc. Mỗi vết cắt không chỉ in hằn trên da, mà còn phản ánh một cuộc chiến thầm lặng giữa tâm hồn non nớt và những gánh nặng vô hình.
Những dấu hiệu của NSSI thường ẩn sau lớp vỏ của sự im lặng. Một chiếc áo dài tay được mặc kín mít giữa mùa hè nóng bức hay vài vết trầy xước "vô tình" trên cánh tay, có thể là lời thì thầm cần được giải mã. Các em có thể trở nên khép kín hơn, thường xuyên trốn trong phòng tắm hàng giờ hoặc đột ngột mất hứng thú với những sở thích trước đây. Trong góc học tập, những vật dụng sắc nhọn như dao lam, kéo cắt giấy có thể xuất hiện bất thường, đi kèm với việc học sa sút không rõ nguyên nhân.
Những thay đổi về cảm xúc cũng là tín hiệu đáng chú ý: Một đứa trẻ vốn hoạt bát bỗng trở nên cáu kỉnh, dễ bật khóc, hoặc thường xuyên buông lời tự trách: "Con chẳng làm được gì đúng cả". Đặc biệt, khi những vết thương "tự nhiên" xuất hiện liên tục với hình dạng không đồng đều (nông sâu xen kẽ), đó có thể là dấu hiệu cho thấy các em đang tìm đến NSSI như cách đối mặt với nỗi đau tinh thần.
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần nhắn nhủ: Nếu không được can thiệp kịp thời, NSSI có thể để lại những hệ lụy sâu sắc. Những vết cắt tưởng chừng chỉ in hằn trên da thịt thực chất là cửa ngõ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí tử vong do tai nạn bất ngờ. Về mặt tâm lý, các em dễ rơi vào vòng xoáy trầm cảm, rối loạn lo âu và dần nhen nhóm ý định tự tử. Trên phương diện xã hội, việc mất niềm tin vào gia đình, bạn bè khiến các em tự đóng khung mình trong sự cô lập.
Nghiên cứu của Tang (2016) tại Trung Quốc chỉ ra: Thanh thiếu niên trải qua sang chấn tuổi thơ có nguy cơ thực hiện NSSI cao gấp đôi. Điều này cho thấy, mỗi vết thương trên cơ thể đều ẩn chứa một câu chuyện cần được lắng nghe bằng trái tim và sự thấu hiểu.
Với thanh thiếu niên: Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT) giúp các em thay đổi tư duy tiêu cực, xây dựng kỹ năng quản lý cảm xúc. Trị liệu nhóm tạo không gian an toàn để các em kết nối với người cùng trải nghiệm, giảm bớt cảm giác cô đơn. Trường hợp cần thiết, thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định, nhưng luôn kết hợp với hỗ trợ tâm lý.
Với gia đình: Thay vì chất vấn "Sao con lại làm thế?", hãy mở lòng với thông điệp: "Bố/mẹ luôn ở đây để lắng nghe con". Dành thời gian trò chuyện, hạn chế xung đột và chủ động đưa con đến gặp chuyên gia khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Với nhà trường: Tổ chức hội thảo về kỹ năng sống, quản lý stress, phòng chống bắt nạt học đường. Giáo viên cần quan tâm sát sao đến học sinh có biểu hiện thu mình, suy giảm học lực. Đó có thể là tín hiệu cho thấy các em đang "chìm" trong nỗi đau không lời.
BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ: NSSI không phải hành vi "hư hỏng" hay "yếu đuối". Đó là tiếng kêu cứu từ những đứa trẻ đang chịu đựng quá sức. Sự đồng hành của gia đình và can thiệp chuyên môn kịp thời có thể giúp các em tìm lại ánh sáng cuối đường hầm.
Hành vi tự gây thương tích không phải lựa chọn duy nhất. Mỗi vết sẹo trên tay một đứa trẻ là lời nhắc nhở chúng ta: Đừng để chúng đơn độc trong cuộc chiến với cảm xúc. Hãy chủ động tìm hiểu, mở lòng và kết nối bởi sự thấu hiểu hôm nay có thể cứu một cuộc đời ngày mai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
VTV.vn - Bệnh nhân N.T.N (26 tuổi, Nam Định) có khối u được phát hiện hoàn toàn tình cờ trong lần khám sức khỏe định kỳ, khi bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
VTV.vn - Virus hợp bào hô hấp (RSV) tuy không phải là loại virus mới, nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ.
VTV.vn - 27 học sinh nhập viện sau bữa ăn tại Trường Tiểu học Nước Hai (Hòa An, Cao Bằng) đã được loại trừ ngộ độc thực phẩm.
VTV.vn - Bệnh viện Đà Nẵng vừa can thiệp thành công, bắt được ba con sán lá gan nhỏ còn sống trong ống mật chủ của một nữ bệnh nhân.
VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao (Phú Thọ) vừa cấp cứu thành công cụ ông 85 tuổi suy hô hấp nguy kịch do COPD, giúp ổn định sức khỏe sau gần 1 tuần hồi sức tích cực.
VTV.vn - Một cụ ông 82 tuổi ở Vĩnh Phúc vừa được cứu sống thần kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc sau khi hai lần ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp.
VTV.vn - Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) vừa phẫu thuật thành công, cắt bỏ khối u vùng nách nặng tới 2kg cho một nữ bệnh nhân 52 tuổi.
VTV.vn - Mùa thi là thời điểm trẻ phải đối mặt với nhiều áp lực trong học tập và thi cử, chất lượng giấc ngủ cũng bị suy giảm.
VTV.vn - Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các đơn vị y tế bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
VTV.vn - CDC Hà Nội đang triển khai điều tra trên nhóm học sinh từ 13-17 tuổi tại các trường THCS, THPT để đánh giá hành vi nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm.
VTV.vn - Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa cấp cứu thành công một trường hợp ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu trong tình trạng nguy kịch.
VTV.vn - Chuyên trang VTV Sức khỏe, một nền tảng nội dung số với thông điệp: “Kênh thông tin y tế chính thống - Vì một Việt Nam khỏe mạnh" đã chính thức ra mắt.
VTV.vn - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn về việc khẩn trương cấp cứu và điều trị các nạn nhân vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại Vĩnh Phúc.
VTV.vn - Giải thưởng là thành quả của BVĐK Phương Đông trong xây dựng mô hình bệnh viện quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với môi trường điều trị xanh – sạch – thông minh.
VTV.vn - Bệnh nhân nam, 42 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do kiềm chuyển hóa nặng sau nhiều ngày nôn ói liên tục vì uống rượu.