Gia tăng số ca mắc ung thư phổi tại Việt Nam

Tuấn Bảo, icon
06:25 ngày 31/07/2018

VTV.vn - Ung thư phổi có tỉ lệ tử vong cao hàng đầu trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 ca mắc ung thư phổi.

Hình minh họa (Ảnh: prevention)

Tỉ lệ mắc ung thư phổi ngày càng gia tăng

Ung thư phổi là hệ lụy của cuộc sống hiện đại. Tại Việt Nam, căn bệnh ung thư này đứng đầu bảng trong danh sách 10 loại ung thư phổ biến ở cả 2 giới. Mỗi năm có hơn 20.000 người mắc bệnh, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong, 56 người mắc mới mỗi ngày.

Với tốc độ gia tăng người mắc như hiện nay, con số ấy có thể lên tới 34.000 người mỗi năm. Dự tính đến năm 2020, mỗi ngày sẽ có thêm 90 người mắc ung thư phổi.

Không những vậy, tỷ lệ người hút thuốc cũng không có chiều hướng giảm, ngược lại đang tăng lên theo từng năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới với 56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới. Theo đó, Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam rất cao, ước tính 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49,0% phơi nhiễm tại nơi làm việc.

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi?

Thuốc lá không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi. Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Thế giới, 85% số người mắc bệnh có hút thuốc. Khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc, trong đó có 69 chất gây ung thư bằng cách làm tổn hại DNA của tế bào. Vì vậy, không hút thuốc lá là cách tốt nhất phòng ngừa ung thư phổi. Không những vậy, bạn cũng nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Dù không trực tiếp hút thuốc nhưng việc gián tiếp hít phải khói thuốc cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài ra, chuyên gia khuyên bạn nên tránh xa không khí ô nhiễm, ăn uống lành mạnh và vận động thể chất để nâng cao hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo TS. BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, các biện pháp phòng chống ung thư đạt hiệu quả ở mức tương đối. Vì vậy, ngoài việc thay đổi lối sống khoa học, vẫn nên tầm soát ung thư phổi định kỳ, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm, người trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi…

Ngày nay, những phương pháp hiện đại có thể phát hiện ung thư phổi từ giai đoạn sớm, kể cả khi người bệnh chưa có triệu chứng. Điều trị ngay ở giai đoạn đầu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục