Dùng thuốc quá hạn: nhiều rủi ro khôn lường

Phương Nga, icon
09:52 ngày 08/08/2019

VTV.vn - Hạn dùng của thuốc là khoảng thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà sau thời hạn này, thuốc không còn giá trị sử dụng.

Hình minh họa.

Tùy mỗi loại thuốc khác nhau mà hạn dùng có thể dài hay ngắn, từ 2 đến 5 năm. Để xác định hạn dùng của thuốc, phải dựa trên cơ sở các số liệu nghiên cứu thời gian ổn định của thuốc và hạn dùng này không được dài hơn tuổi thọ được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và tuổi thọ theo dõi trên thực tế. Như vậy, hạn dùng chính là tiêu chí quan trọng nhất để nói một thuốc có còn chất lượng hay không và có đủ hiệu lực để chữa bệnh hay không?

Thuốc hết hạn sẽ không còn nguyên tính chất, chuyển sang dạng khác hay sinh ra những hợp chất có độc tính cao do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ đó làm mất hiệu quả điều trị. Tùy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau khi sử dụng phải thuốc hết hạn.

Nếu là thuốc kháng sinh, dùng thuốc không đủ nồng độ diệt khuẩn hoặc không còn tác dụng diệt khuẩn như thuốc hết hạn sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Nguy hiểm hơn nữa, vi khuẩn kháng thuốc sẽ xuất hiện khiến lần sau bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kháng sinh thế hệ cao hơn, bệnh khó trị hơn, tốn tiền hơn. Người bệnh cũng có thể gặp các biến chứng, phản ứng phụ nguy hại của thuốc nếu dùng thuốc quá hạn.

Đối với người bệnh tăng huyết áp, việc dùng thuốc rất quan trọng để kiểm soát huyết áp hàng ngày. Vì vậy, thuốc cần uống đều đặn, hàng ngày và thậm chí là trong suốt cuộc đời để kiểm soát huyết áp, tránh tai biến... Nếu uống phải thuốc hết hạn, nghĩa là thuốc không còn đủ khả năng hoặc mất tác dụng điều trị làm cho huyết áp không được kiểm soát, sẽ tăng cao đột ngột dễ gây ra các tai biến nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

Người bệnh đái tháo đường cũng phải uống thuốc hàng ngày để kiểm soát đường máu. Nếu uống phải thuốc hết hạn, người bệnh sẽ không kiểm soát được đường huyết dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới mù lòa, tàn phế, thậm chí dẫn tới tử vong...

Ngoài ra, đối với các bệnh nhiễm khuẩn phải dùng kháng sinh, nếu dùng thuốc không đủ nồng độ diệt khuẩn hoặc không còn tác dụng diệt khuẩn như thuốc hết hạn sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Nguy hiểm hơn nữa là gây ra vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng, làm cho việc chữa trị bệnh do vi khuẩn ngày một khó khăn hơn.

Còn với thuốc chống đông máu, khi không có tác dụng điều trị sẽ làm máu tăng khả năng đông lên, tạo các cục máu đông làm nghẽn động mạch, máu không lưu thông được đến tim và não. Tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Với những người mắc bệnh động kinh là những trường hợp phải dùng thuốc kéo dài, hậu quả của việc dùng thuốc quá hạn sử dụng sẽ rất nghiêm trọng. Khi những cơn động kinh không được kiểm soát, người bệnh có thể bất ngờ bị ngã xuống, gây thương tích, gặp tai nạn khi đang lái xe hoặc bị đuối nước khi đang bơi lội...

Với căn bệnh ung thư, nếu bệnh nhân ung thư uống thuốc hết hạn có tác hại rất lớn bởi thành phần bị biến đổi, có thể chứa độc chất đối với cơ thể, hoặc hàm lượng không đủ để đảm bảo tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu thuốc không đủ nồng độ như ban đầu, cơ thể sẽ dần thích nghi, dẫn đến kháng thuốc, tăng độc tính, điều trị không mang lại kết quả và người bệnh có thể tử vong.

Đa số các sản phẩm thuốc khi hết hạn sẽ không còn nguyên hiệu lực, thậm chí không còn hiệu lực như ban đầu. Thuốc sẽ kém hiệu quả hoặc không còn tác dụng trong điều trị, nguy hiểm hơn còn gây độc cho cơ thể. Độc là do biến chất của hoạt chất thuốc hoặc do biến chất của chất bảo quản thuốc, do hư hỏng dạng bào chế, do nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn... gây dị ứng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.

Do đó, khi đi mua thuốc người bệnh cần lưu ý xem kỹ hai thông số: ngày sản xuất: thường ghi NSX/SX/ Date of mfg. Hạn sử dụng: thường ghi HSD/HD/Exp và Date. Ngày sản xuất, hạn dùng ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.

Thông tư của Bộ Y tế về Hướng dẫn ghi nhãn thuốc cũng đã quy định: ngày sản xuất là mốc thời gian hoàn thành sản xuất, chế biến, đóng chai, đóng gói hoặc các hình thức khác để hoàn thiện công đoạn cuối cùng của lô thuốc. Hạn dùng của thuốc là mốc thời gian được ấn định cho một lô thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng. Hai thông số này luôn được thể hiện trên bao bì (hộp, vỉ, chai...) của thuốc. Vì thế, để tránh việc dùng thuốc hết hạn ngoài việc để ý đến hạn dùng của sản phẩm cần phải tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của hướng dẫn sử dụng từng loại thuốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục