Đôi mắt bị ảnh hưởng thế nào khi dị ứng

Tuấn Bảo, icon
10:15 ngày 18/08/2019

VTV.vn - Ngoài những biểu hiện phát ban, loét trợt toàn thân, người bệnh bị dị ứng còn gặp phải một số vấn đề ở mắt.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, tình trạng dị ứng nặng toàn thân gặp ở những trường hợp hội chứng Lyell, hội chứng Stevens - Johnson… Những bệnh nhân này thường nằm điều trị ở Khoa Da liễu với những biểu hiện như phát ban đa dạng hoặc loét trợt toàn thân do dị ứng thuốc. Niêm mạc của các hốc tự nhiên của cơ thể như miệng, mũi, niêm mạc sinh dục và mắt cũng bị tổn thương.

Cụ thể:

- Cộm chói mắt: Là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, làm cho bệnh nhân luôn phải nhắm mắt.

- Nhiều dử: Đôi lúc dính chặt hai mi gây khó mở.

Có các triệu chứng này là do giác mạc, kết mạc bị trợt lớp biểu mô trên diện rộng. Bội nhiễm vi khuẩn sẽ làm cho tổn thương sâu thêm.

- Đỏ mắt: Thậm chí khi bệnh ở da đã khỏi thì mắt cũng vẫn còn đỏ, biểu hiện của một tình trạng viêm kết mạc kéo dài.

- Khô mắt: Thể hiện rõ ở giai đoạn muộn của bệnh và lâu dài về sau do các tuyến lệ phụ cùng các tế bào đài tiết nhày bị hủy hoại.

- Cạn túi cùng kết mạc, dính mi - cầu: Đây là những di chứng nặng nề, rất khó khắc phục.

Việc chăm sóc mắt cho những bệnh nhân này cần rất sớm và thường xuyên để hạn chế di chứng, công việc bao gồm:

- Lau rửa mặt cho sạch dử bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc dung dịch kháng sinh (lưu ý chọn loại không gây dị ứng).

- Dùng que thủy tinh bôi mỡ kháng sinh - cortizon day vào các túi cùng kết mạc để chống dính mí - cầu.

- Nhỏ mắt dung dịch kháng sinh hoặc sát khuẩn, thuốc tăng cường tái tạo biểu mô (dầu A, CB2), dung dịch thuốc chống viêm (thuốc chứa corticoid).

- Huyết thanh tự thân tiêm dưới kết mạc hàng ngày hoặc cách ngày.

- Nhắc nhở, động viên bệnh nhân tự liếc mắt về nhiều hướng, nhiều lần/ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục