Điều trị thành công cho bé 3 tuổi mắc hội chứng Stevens-Jonhson

Linh Chi, icon
03:00 ngày 30/04/2020

VTV.vn - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận bé gái 3 tuổi ở Hậu Giang nhập viện vì sốt, lở toàn bộ 2 môi, xoang miệng, mắt và bộ phận sinh dục.

Theo thông tin từ gia đình, 4 ngày khởi đầu bé sốt, ho khan, chảy mũi, được điều trị liên tục 3 ngày với chẩn đoán viêm hô hấp và uống thuốc ngoại trú (không rõ loại), bé hoàn toàn bình thường không biểu hiện gì lạ. Bé giảm ho và giảm chảy mũi nên được ngưng uống thuốc 1 ngày, sau đó, mẹ thấy bé còn ho ít nên có mua thêm thuốc siro ho thảo dược cho bé uống.

Sau uống được 2 liều siro ho, bé có vài vết phồng nước ở môi và sau đó dần có nhiều phồng nước rải rác toàn thân, kèm lở loét thêm trong miệng, bộ phận sinh dục, đỏ mắt, lở ở mắt, rịn ít dịch vàng lẫn máu. Bé được khám và điều trị nội trú tại địa phương. Do tình trạng bệnh không giảm, các vết loét ngày càng nhiều nên gia đình cho bé nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Điều trị thành công cho bé 3 tuổi mắc hội chứng Stevens-Jonhson - Ảnh 1.

Tại Khoa Nhi, các bác sĩ ghi nhận: bé sốt, ăn uống kém, môi đỏ, lở loét toàn bộ 2 môi, rịn nước vàng và máu ít, da có nhiều bóng nước đã vỡ toàn thân, nhiều vết loét trong miệng, kết mạc mắt 2 bên viêm có loét, rịn máu khi bé khóc... Ekip của Khoa Nhi đã hội chẩn với các chuyên khoa: mắt, da liễu, răng hàm mặt, tai mũi họng và chẩn đoán: Hội chứng Steven-Jonhson/viêm phổi (nghĩ do thuốc).

Bé được điều trị dùng kháng sinh, kháng viêm, điều trị triệu chứng, nâng đỡ tổng trạng và chăm sóc chuyên biệt theo phác đồ. Sau 9 ngày điều trị, bé ăn uống khá hơn, các mụn ngoài da khô mặt, các vết loét đã giảm nhiều, vết lở loét ở môi khô và bong tróc dần, không đau miệng khi ăn, ăn uống khá hơn và được xuất viện.

Theo bác sĩ Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng Khoa Nhi, hội chứng Stevens-Johnson là tình trạng dị ứng nặng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thuốc, nhiễm siêu vi, vi trùng. Biểu hiện đặc trưng bởi những nốt phồng nước ngoài da, kèm lở loét các lỗ tự nhiên trên cơ thể như: mắt, miệng, bộ phận sinh dục. Biến chứng sẽ rất nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể gặp như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải, biến chứng tại mắt: khô mắt, loét giác mạc, nặng hơn có thể gây mù và biến chứng nặng nhất là có thể gây tử vong.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Phạm Nguyễn Yến Trang khuyến cáo: Phụ huynh khi đang cho các bé dùng bất kỳ thuốc gì nếu thấy những biểu hiện bất thường như: bé mệt, da tái xanh, ngứa da, phù mắt, đỏ vành tai, nổi mẩn đỏ ngoài da, nổi mề đay, nổi mụn phồng nước ngoài da, miệng, mệt, khò khè, khó thở... Việc đầu tiên cần làm là phải ngưng ngay thuốc đang dùng và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất khám. Phụ huynh cần mang theo đầy đủ toa thuốc cũng như thuốc đang dùng, điều này sẽ giúp nhân viên y tế nhanh chóng phát hiện ra những nguyên nhân có thể gặp. Việc chẩn đoán nhanh, điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách sẽ giúp bé tránh được các biến chứng và mau chóng hồi phục sức khỏe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục