Đái tháo đường type 1 ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng

TTXVN, icon
06:10 ngày 26/06/2024

VTV.vn - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa tổ chức tập huấn về triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Hình minh họa.

Gây nhiều biến chứng cho sức khỏe

Đái tháo đường type 1 hiện chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Ở Việt Nam, dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường type 1, bệnh có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý và điều hành Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, bệnh đái tháo đường là một mối đe dọa sức khỏe công cộng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.

Đái tháo đường gây ra rất nhiều biến chứng cho sức khỏe như tim mạch, mắt, thần kinh, là nguyên nhân chính gây suy thận và nhiều biến chứng khác. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Chi phí y tế đối với đái tháo đường ở người trưởng thành chiếm 12% chi phí y tế toàn cầu.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa cho biết: Có đến một nửa số người đái tháo đường không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường type 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, bệnh nhân thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh. Tuy nhiên, 70% trường hợp đái tháo đường type 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn bởi thực hiện các lối sống khỏe mạnh.

Đối với đái tháo đường type 1, theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, hiện nay ở Việt Nam chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em, tuy nhiên dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy bệnh này có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây; việc chẩn đoán, điều trị hiện nay đang gặp khó khăn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, gặp ở từ nhóm tuổi sơ sinh, đến bất kỳ nhóm tuổi nào và ở bất kỳ thời điểm nào đều có thể phát hiện ra, tuy nhiên có những trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở tình trạng hôn mê, nhiễm toan, nguy cơ đe dọa tính mạng.

"Nguyên nhân của đái tháo đường type 1 liên quan đến nhiều yếu tố như tính nhạy cảm di truyền, các yếu tố môi trường, hệ thống miễn dịch và các tế bào β; tuy nhiên vai trò cụ thể của các yếu tố này chưa rõ ràng. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin ban đầu ở bệnh viện, sau đó liều ổn định sẽ điều trị tại nhà. Với bệnh này chủ yếu tập trung vào theo dõi bệnh nhân, điều trị phù hợp giảm thiếu nhất biến chứng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển nhấn mạnh.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây chỉ thăm khám, theo dõi, điều trị khoảng 10-15 bệnh nhi đái tháo đường type 1 mỗi năm. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng bệnh nhi tăng nhanh, mỗi năm có đến hàng trăm trẻ đến thăm khám, điều trị. Hiện bệnh viện đang quản lý khoảng 200-300 trẻ mắc đái tháo đường type 1 thường xuyên đến thăm khám, điều trị.

"Thực tế cho thấy, nếu thực sự chỉ có một vài bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Trung ương Huế quản lý nhóm trẻ này thì sẽ là một khó khăn trong điều trị cho trẻ bởi hiện nay khá ít bác sĩ nhi khoa am hiểu về bệnh của trẻ. Do đó, chúng tôi mong muốn mở rộng hơn hệ thống quản lý nhóm bệnh này ở các cơ sở y tế, thậm chí chỉ cần đơn vị nhỏ quản lý từ 15-20 bệnh nhân, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và tránh tình trạng các bệnh nhi phải về bệnh viện tuyến trên điều trị", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển chia sẻ.

Chuyên gia này cũng lưu ý, các gia đình đã có con mắc đái tháo đường type 1 hiện đang điều trị, cần cố gắng kiểm soát tình trạng bệnh của con bằng cách phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế để đưa ra liệu trình điều trị tốt nhất, giúp các em bé trưởng thành và phát triển cuộc sống như các trẻ bình thường.

Phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa cho biết thêm, nhằm chuẩn hóa công tác chuyên môn thăm khám, theo dõi, điều trị đái tháo đường type 1 cho trẻ, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn riêng về bệnh này. Hướng dẫn được xây dựng công phu, cập nhật, dựa trên các tài liệu trong nước và quốc tế, tập trung vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1, rất hữu ích cho các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa trong hành nghề khám, chữa bệnh hằng ngày.

Hướng dẫn điều trị đái tháo đường type 1 đánh dấu sự hợp tác của hai hội chuyên môn tập hợp các chuyên gia về nội tiết và nhi khoa có kinh nghiệm lâm sàng, giảng dạy, là Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam và Hội Nhi khoa Việt Nam.

"Thông qua tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sẽ được triển khai tới các tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để giúp ích cho công tác hành nghề của các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa. Mục tiêu cuối cùng là phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường type 1, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em và gia đình đang sống cùng bệnh đái tháo đường type 1, giúp bệnh nhân có một cuộc sống mạnh khỏe lâu dài", Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục