Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV)

Thu Hà, icon
11:31 ngày 05/02/2020

VTV.vn - Trong chương trình TVTT "Thông tin về virus Corona, các bệnh hô hấp - cách phòng ngừa và điều trị", các chuyên gia y tế đã giải đáp, tư vấn nhiều thông tin hữu ích.

Hơn 60.000 người xem cùng lúc, gần 10.000 câu hỏi xoay quanh thông tin, triệu chứng và cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) được gửi về, chương trình tư vấn trực tuyến Thông tin về virus Corona, các bệnh hô hấp - cách phòng ngừa và điều trị do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC thực hiện, đã kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin khoa học và chính thống giữa cơn “bão thông tin” khiến cộng đồng hoang mang, lo lắng.

GLTT: Thông tin về virus Corona, các bệnh hô hấp - Cách phòng ngừa và điều trị

Bộ ba chuyên gia đầu ngành về Y tế Dự phòng: PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia phòng dịch của Bộ Y tế; BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, Cố vấn cao cấp Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC; và ThS.BS Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã cùng nhau giải đáp những thắc mắc của độc giả về các vấn đề đang rất được cộng đồng quan tâm.

Ngay từ đầu chương trình, độc giả Huỳnh Thị Thu Nhi đã gửi đến chương trình một thắc mắc chung của hàng nghìn độc giả: "Vì sao dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (2019-nCoV) lại được gọi là bệnh viêm phổi lạ? Nó có khác gì so với bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn?". Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đắc Phu giải thích: "Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp và đặc biệt là viêm phổi. Sở dĩ virus Corona (2019-nCoV) "lạ" vì đây là virus lần đầu tiên xuất hiện, chưa ai biết gì về nó và chưa ai có miễn dịch với nó. Đương nhiên nó khác với viêm phổi do phế cầu, vì bản thân viêm phổi có nhiều loại (viêm phổi do phế cầu, viêm phổi do liên cầu, viêm phổi do virus…), mỗi loại có đặc tính và triệu chứng khác nhau. Căn bệnh này mới, lạ nên chúng ta phải tìm hiểu về nó, cảnh giác với nó để giảm thiểu tối đa mức độ nguy hiểm mà nó mang lại".

Đây là dạng virus mới nên con người chưa từng có miễn dịch kể cả miễn dịch chéo trước đó. Người nhiễm virus Corona (2019-nCoV) có các triệu chứng cấp tính: Ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong; đặc biệt gây nguy hiểm cho người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch. Virus Corona 2019-nCoV hoàn toàn chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vaccine điều trị.

Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) - Ảnh 2.

Người dân hãy bảo vệ sức khỏe cả gia đình và cộng đồng trước dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona bằng việc đeo khẩu trang y tế đúng cách (Ảnh do VNVC cung cấp)

Không ít câu hỏi gửi về cho các chuyên gia của Trung tâm tiêm chủng VNVC: Vaccine cúm có tác dụng trong việc phòng ngừa virus Corona (2019-nCoV) không? Bác sĩ Bùi Ngọc An Pha giải thích, thực tế, cúm và viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, vắc xin cúm không thể phòng được bệnh do virus Corona gây ra. Tuy nhiên, tiêm vaccine cúm sẽ có hai điểm lợi: Thứ nhất, nếu không tiêm ngừa cúm mà vô tình bị cúm thì người bệnh sẽ sốt. Mà sốt (do virus cúm chứ không phải do virus Corona) trong thời điểm này là rất nguy hiểm, người bệnh sẽ hoang mang lo sợ. Thứ hai, nếu không may bị hai bệnh cùng một lúc thì biến chứng càng nguy hiểm hơn. Do đó, trẻ em và người lớn đều cần tiêm vaccine phòng cúm, dù ở bất cứ thời điểm nào trong năm.

Trả lời cho câu hỏi "Làm cách nào để khống chế virus Corona (2019-nCoV) khi chưa có vaccine phòng bệnh?", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: Ở nhiệt độ cao (trên 20 độ C, đặc biệt là trên 25 độ C), ánh nắng, môi trường thông thoáng, virus Corona (2019-nCoV) sẽ yếu đi và giảm khả năng lây bệnh. Nhưng nếu ở nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí, lạnh thì virus sẽ phát tán và lây lan rất nhanh vì đây là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển.

Vì thế, phòng bệnh hơn chữa bệnh, bác sĩ Khanh và các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chủ động phòng bệnh bằng việc tiêm chủng đầy đủ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế đến nơi đông người và nên đeo khẩu trang phòng bệnh.

Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) - Ảnh 3.

ThS.BS Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết lượng khách hàng đến tiêm chủng phòng bệnh tại VNVC tăng đột biến sau Tết.

Cũng trong buổi tư vấn, có đến hàng trăm câu hỏi của độc giả xoay quanh vấn đề chọn loại khẩu trang nào là phù hợp - khẩu trang vải, khẩu trang y tế (nếu là khẩu trang y tế thì mấy lớp) hay khẩu trang chống bụi mịn theo tiêu chuẩn N90, N95?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: "Thực chất, các loại khẩu trang chuyên dụng như N90, N95 nếu mang suốt ngày thì rất khó chịu. Chúng chỉ dùng cho những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đối với người dân bình thường, chỉ cần sử dụng khẩu trang phẫu thuật 3 lớp là được. Và đeo khẩu trang phải đúng cách mới đạt hiệu quả phòng bệnh: phần gắn thanh kim loại hướng lên trên mũi, toàn bộ khẩu trang trùm kín mũi và miệng, sau đó dùng tay ép thanh kim loại sao cho ôm sát sống mũi."

BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách phòng virus corona

"Khẩu trang vải cũng có thể dùng được, nhưng phải giặt sạch sau mỗi lần sử dụng để loại bỏ virus, vi khuẩn, nếu khử trùng được thì càng tốt", PGS.TS Trần Đắc Phu nói thêm.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, trong giai đoạn này, bên cạnh việc đeo khẩu trang, mọi người cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch khử trùng không những phòng bệnh do virus Corona (2019-nCoV) gây ra mà còn phòng được hầu hết các bệnh lây qua đường hô hấp khác, chẳng hạn như cúm hay viêm phổi do phế cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên với xà bông/xà phòng/nước rửa tay có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp.

Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) - Ảnh 5.

Nhắc đến các bệnh về đường hô hấp, nhiều người có con nhỏ tỏ rõ sự lo lắng "đang đợt dịch thì có nên đưa trẻ đi chích ngừa không?"

Để giải tỏa mối băn khoăn này, bác sĩ An Pha khuyến cáo: "Suy nghĩ không cho con đi tiêm ngừa vì ngại chỗ đông người của nhiều mẹ có thể khiến trẻ nhiễm bệnh và dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Với trẻ đến tuổi tiêm ngừa thì việc tiêm đúng mũi, đúng lịch là rất quan trọng để phòng bệnh, đặc biệt là trong mùa dịch bệnh lan tràn như hiện nay. Hiện tại, để đảm bảo an toàn cho tất cả khách hàng đến tiêm ngừa trong thời điểm này, Trung tâm tiêm chủng VNVC đã tăng cường tần suất sát khuẩn, khử trùng toàn bộ trung tâm nhiều lần trong ngày, lưu thông không khí, giữ môi trường thông thoáng; Trang bị dung dịch sát khuẩn ở nơi thuận tiện cho khách hàng và nhân viên; đồng thời thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế cho tất cả các bộ phận có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng…"

Các chuyên gia khuyến cáo, để tiêm vaccine phòng bệnh hiệu quả, cần tuân thủ nguyên tắc tiêm phòng sớm, đúng lịch, đủ mũi. Đây là cách tốt nhất, đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, có thể làm giảm mức độ cho người bệnh nhiễm các dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị hoặc chưa có vaccine phòng bệnh, như bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) hiện nay.

Chuyên gia hướng dẫn cách phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV) - Ảnh 6.

Các bác sĩ, nhân viên y tế và khách hàng tại Trung tâm tiêm chủng VNVC đồng loạt đeo khẩu trang trong lúc làm việc, tư vấn và khám bệnh

Hiện tại, danh mục vaccine dành cho trẻ em và người lớn tại Trung tâm tiêm chủng VNVC có tới hơn 40 loại để phòng tránh gần 30 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dự phòng bằng vaccine. Trong đó, có rất nhiều vaccine có thể phòng được các bệnh hô hấp như: vaccine 3 trong 1 Adacel (Canada) phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván; vaccine 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt, vaccine 5 trong 1 Pentaxim (Pháp); vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa (Bỉ), Hexaxim (Pháp); vaccine Vaxigrip (Pháp), Influvac (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc) phòng bệnh cúm mùa; vaccine Synflorix (Bỉ) và Prevenar (Anh) phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn…

Dù chương trình tư vấn Thông tin về virus Corona, các bệnh hô hấp - cách phòng ngừa và điều trị đã khép lại nhưng lượng câu hỏi và cuộc gọi về tổng đài 028 7300 6595 của Trung tâm tiêm chủng VNVC xoay quanh những thông tin về virus Corona (2019-nCoV) cũng như các bệnh viêm đường hô hấp vẫn rất nhiều. Bạn đọc có thể xem lại chương trình TẠI ĐÂY và tiếp tục gửi câu hỏi bằng cách inbox cho fanpage VNVC – Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn để được các chuyên gia tư vấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục