Chủ quan không khám thai suốt thai kỳ, mẹ hối hận vì con bị đa dị tật

Tuấn Bảo, icon
02:33 ngày 29/09/2020

VTV.vn - Tới tuần thai 37, người mẹ xuất hiện mệt mỏi, chán ăn... mới vào viện siêu âm và phát hiện thai nhi bị đa dị tật: dị dạng vô sọ, dị dạng tim mạch.

Hình minh họa.

Lần thứ 2 mang thai, nhưng do bận bịu công việc, chị T.T.H. (22 tuổi, dân tộc Dao, trú tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) đã không đi khám thai trong suốt thai kỳ.

Đến tuần thứ 37, chị bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi, da xanh, chán ăn, tiểu buốt. Lúc đó, gia đình mới đưa chị đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn và siêu âm phát hiện thai nhi 37 tuần tuổi bị đa dị tật: dị dạng vô sọ, dị dạng tim mạch.

Theo bác sĩ Dương Thị Thúy Lanh, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì không theo dõi thai kỳ liên tục để có hướng điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp người mẹ thấy cơ thể mình khỏe mạnh, ăn ngủ tốt nên cũng bỏ qua việc khám thai định kỳ.

Hiện nay, vẫn còn có một số các quan điểm sai lầm về khám thai. Một số bà mẹ đang mang thai có suy nghĩ thai lớn mới cần đi khám, nhưng chính sự sai lầm trong suy nghĩ này khiến những bà mẹ trên đi khám thai tương đối muộn.

Khám thai muộn khiến cho không thể kịp thời phát hiện ra các bất thường thai nhi, các dị tật, sảy thai, thai chết lưu mà không hề hay biết. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ nữ mang thai, nhất là những người sống tại vùng sâu vùng xa, kinh tế thiếu thốn, đường xá đi lại khó khăn, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế cho rằng sinh đẻ là việc bình thường, không quan tâm đến việc khám thai định kỳ, suốt quá trình mang thai chưa một lần biết đến việc khám thai.

Cũng theo bác sĩ Lanh, trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ có những thay đổi liên tục và khó dự đoán. Việc khám thai thường xuyên và định kỳ là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ thường gặp, cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi. Từ đó, có kế hoạch ra đời an toàn và điều trị sơ sinh kịp thời cho những khiếm khuyết bẩm sinh còn cơ hội sửa chữa.

Vì vậy, bác sĩ Dương Thị Thúy Lanh khuyến cáo: Không nên chờ đến khi xuất hiện những triệu chứng bất thường mới đi khám, mà nên bắt đầu chăm sóc tiền sản ngay từ 3 tháng đầu thai kỳ và duy trì việc thăm khám định kỳ cho đến ngày sinh nở.

Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai có thể hạn chế khả năng xảy ra dị tật thai nhi bằng việc khám tiền sản theo hướng dẫn của bác sĩ; không uống rượu, hút thuốc; thông báo với bác sĩ về những bệnh có khả năng di truyền trong gia đình; bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất mỗi ngày; sử dụng thuốc thật thận trọng theo chỉ định của bác sĩ, tránh uống thuốc bừa bãi gây hại cho thai nhi...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục