Chủ động chăm sóc trẻ em trong những ngày nắng nóng

Theo TTXVN, icon
10:17 ngày 29/05/2015

VTV.vn - Sự chủ động của cha mẹ sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh hoặc biến chứng do bệnh cho trẻ, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Do nắng nóng, trong 3 ngày qua (26-29/5), mỗi ngày có khoảng từ 500-700 trẻ em đến khám và điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, tăng khoảng 20% so với khi thời tiết ổn định. Tuy không thể chủ động đối phó với nguyên nhân gây bệnh, song sự chủ động của cha mẹ trẻ em góp phần đáng kể giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh hoặc biến chứng do bệnh.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Ngọc Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, bệnh nhi đến khám, nhập viện trong những ngày qua chủ yếu do sốt cao co giật, viêm phổi, chân tay miệng và đã xuất hiện 2 trường hợp viêm não do virus.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh cho biết thêm, trẻ em đang trong quá trình phát triển nên một số cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện dẫn đến các em khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột của thời tiết như nóng quá hoặc lạnh quá. Vì thế, các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý không để trẻ đi ra ngoài đường khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao để tránh tình trạng say nắng.

Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt, cách 4 tiếng uống 1 lần để tránh tình trạng bị co giật do sốt cao. Ngoài ra cần để trẻ nằm nghỉ ngơi trong phòng thoáng đãng, dùng khăn chườm thêm để giúp hạ sốt. Cần bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, hoa quả tươi cho trẻ trong những ngày nắng nóng.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Bích Vân, Trưởng khoa Thần kinh, Tâm bệnh, Phục hồi chức năng cho biết, trong 3 ngày qua, tại khoa này có tới 70% trẻ em phải điều trị nội trú vì sốt cao co giật. Bác sĩ lưu ý, phần lớn bố mẹ đều lo sợ khi trẻ bị co giật và không biết cách xử trí.

Vì thế, trong trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ, ngoài hạ sốt, chườm nước, nới lỏng quần áo, các bậc phụ huynh cần lưu ý đặt trẻ nằm nghiêng giúp đường thở thông thoáng. Nếu 2 hàm răng của trẻ đã bị gắn chặt vào nhau, bố mẹ để yên, không cậy răng trẻ để chèn vật khác vào miệng. Trong trường hợp miệng vẫn co giật, người thân nên chèn vật mềm như chiếc khăn nhỏ để tránh trẻ cắn phải lưỡi. Sau khi sơ cứu, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiếp tục điều trị và chuyển lên tuyến trên nếu cần thiết.

Các bác sĩ tại một số khoa của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đều khuyến cáo, khi trẻ bị sốt cao không nên sử dụng các biện pháp dân gian như đắp lá ngải cứu, lá nhọ nồi lên đầu vì tác dụng của phương pháp này chưa có ai kiểm chứng song lại làm mất rất nhiều thời gian lẽ ra nên dành cho việc sơ cấp cứu.

Đối với trẻ sơ sinh, gia đình không nên để quạt gió to, trực tiếp hướng vào người trẻ, song cần để cho phòng thoáng đãng. Nếu gia đình có điều hòa, nên để ở nhiệt độ hợp lý. Các bà mẹ cần kiểm tra lưng áo, bỉm, nếu ướt phải thay ngay để tránh nhiễm lạnh. Không quấn trẻ trong quá nhiều khăn, áo.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

Cùng chuyên mục