Chó dữ tấn công: Bé trai 12 tuổi mất hai tai, lóc da đầu

Lê Thạch, icon
01:06 ngày 04/05/2019

VTV.vn - Khi ra đồng gọi anh trai đang chăn trâu về, bé trai bị hai con chó nặng gần 30kg lao vào tấn công.

Trẻ nhập viện trong tình trạng hoảng loạn khi bị hai con chó lớn tấn công.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hôm nay cho biết: khoa vừa tiếp nhận bé trai 12 tuổi ở Thọ Xuân, Thanh Hóa nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chó cắn, vết thương phức tạp vùng đầu mặt, mất da đầu vùng đỉnh chẩm, hai tai và nhiều vết thương khác trên người.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành xử trí cấp cứu, vá các phần tổn thương bên ngoài cho bệnh nhi. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn phải theo dõi chấn thương sọ não do vỡ xương nền sọ.

Chó dữ tấn công: Bé trai 12 tuổi mất hai tai, lóc da đầu - Ảnh 1.

Trẻ được theo dõi sau cấp cứu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm: trường hợp bệnh nhi hết sức nguy kịch, trước khi mổ cấp cứu, phải mời các bác sĩ nhiều chuyên khoa khác, phối hợp để chẩn đoán chính xác tổn thương. Phần nặng nhất can thiệp cấp cứu là vết thương mặt và lóc da đầu cùng mất 2 tai. Giai đoạn cấp cứu, các bác sĩ đã thực hiện khâu vá tổn thương dập nát, cố gắng cứu qua giai đoạn này. Song song với quá trình theo dõi các tổn thương, nếu bệnh nhi qua được giai đoạn nguy kịch này thì khoảng từ 3 - 6 tháng, sẽ thực hiện việc tái lại da đầu và 2 vành tai.

Hiện tại, qua 4 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo nhưng còn mệt và nhợt nhạt, có thể giao tiếp được, chân tay tự giơ được và tập ăn qua miệng. Bệnh nhi cũng đã được gửi đi tiêm phòng dại và tiếp tục điều trị kháng sinh chống phù nề, kháng viêm...

Về trường hợp bệnh nhi này, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay: khi bệnh nhi đến viện thì đã không còn hai tai và phần da vùng đỉnh đầu, lộ cả xương sọ. Nếu không kịp thời vá da che đi phần sọ có thể dẫn đến viêm xương, nhiễm trùng, hoại tử xương sọ. Riêng với phần tái tạo lại đôi tai cho bệnh nhi đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và chi phí.

"Việc tái tạo lại đôi tai cho bệnh nhi, khi bệnh nhi đã ổn định, bình phục, sau 3-6 tháng có thể được thực hiện bằng việc lấy sụn tự thân hoặc dùng khung sụn vành tai đúc sẵn. Nếu dùng sụn tự thân, sẽ lấy từ sụn xương sườn, gọt điêu khắc thành khung tai, đòi hỏi kỹ thuật cao trong việc dựng 3D khung vành tai với nhiều gờ, vành, rất khó làm. Theo cách này, bệnh nhân phải mổ 2 lần, đặt nuôi và dựng vành tai. Đồng thời, yêu cầu trẻ phải đủ tuổi (sau 12 tuổi) phải có lồng ngực đủ lớn để có khung sụn đủ để lấy tạo vành tai… Kỹ thuật này rất phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian" - PGS.TS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.

Theo PGS Hà, hiện nay có khung sụn tai nhân tạo đúc sẵn, chỉ cần thực hiện 1 lần phẫu thuật thẩm mỹ che phủ vá da lên trên, tạo hình tai cho trẻ. Đây cũng là kỹ thuật được áp dụng hơn 1 năm nay tại bệnh viện bước đầu cho kết quả khả quan, chi phí khoảng 60 - 70 triệu/khung tai, chưa tính chi phí điều trị…

Qua trường hợp bệnh nhi này, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo: khi trẻ bị vật nuôi tấn công cần được nhanh chóng xử trí cấp cứu. Đặc biệt là tình trạng mất máu vì bị cắn vào mạch máu lớn ở cổ, cần tạo đường thở trước khi chuyển cấp cứu. Với trẻ bị chó cắn cần được tiêm phòng dại, người nhà cần tìm các phần bị đứt rời của trẻ mang theo tới bệnh viện để được xử trí vá lại vết thương tối đa cho trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục