Cảnh giác với dị vật đường tiêu hóa

P.V, icon
06:00 ngày 27/12/2022

VTV.vn - Vừa qua, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vừa tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi, mắc dị vật là bã thức ăn trong dạ dày.

Nội soi gắp bã thức ăn trong dạ dày bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi bị dị vật mắc ở môn vị, làm cản trở sự lưu thông thức ăn từ dạ dày xuống ruột, nhập viện với bệnh cảnh của hẹp môn vị.

Sau khi nội soi và xác định vị trí dị vật bị mắc kẹt, các bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Thăm dò chức năng đã tiến hành nội soi cắt nhỏ và gắp thành công khối bã thức ăn. Sau đó bệnh nhi hoàn toàn ổn định.

Theo các bác sĩ, bã thức ăn hình thành do sự tích tụ các chất được ăn uống vào dưới dạng các khối hoặc khối đông kết không tiêu hóa được, vị trí hay gặp nhất là ở dạ dày. Phần lớn các trường hợp cục bã thức ăn có nguồn gốc thực vật (phytobezoar).

Bã thức ăn trong dạ dày không phải bệnh hiếm gặp, nếu không được điều trị có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như tắc nghẽn môn vị, di chuyển xuống gây tắc ruột, sang chấn cơ học gây loét dạ dày, chảy máu, thủng; buồn nôn, nôn, đau bụng, ăn mau no, sút cân. Một số bã thức ăn có thể được hòa tan bằng hóa học, một số khác cần phải loại bỏ qua nội soi và một số thậm chí cần phẫu thuật.

Dị vật rơi vào đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống hay trong sinh hoạt. Phần lớn các dị vật này có thể tự đào thải ra ngoài theo phân nhờ nhu động của ống tiêu hóa.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10 - 20% các dị vật cần phải điều trị do có kích thước lớn, có hình thù sắc nhọn như tăm, kim khâu, xương cá... Nếu các dị vật này không được xử lý kịp thời sẽ gây tổn thương trong đường tiêu hóa, dẫn đến biến chứng như: chảy máu, áp xe, tắc ruột, thủng ruột, thậm chí có thể tử vong.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục