Biến đổi khí hậu và mối nguy hại với sức khỏe nhân loại

Thu Trang - Ảnh: Độc Lập, icon
11:19 ngày 28/05/2024

VTV.vn - Theo GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn, đã đến lúc mỗi người cần ý thức rõ vai trò của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn hiện đang là Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Cochin, Paris (Pháp). Phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trò chuyện với ông nhân một chuyến công tác tại Việt Nam xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người, thưa giáo sư?

Đây thật sự là một vấn đề nghiêm trọng, đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nhân loại. Điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là sự gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp, chẳng hạn như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Bên cạnh đó, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm môi trường cũng làm gia tăng các bệnh không liên quan đến hô hấp như các bệnh về tim mạch, da liễu… đồng thời đẩy nhanh tỷ lệ tử vong ở những người đã có bệnh nền.

Tôi lấy ví dụ về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Căn bệnh mà trước đây hầu như chỉ những người hút thuốc lá hay làm việc tại các hầm mỏ mới là đối tượng nguy cơ cao mắc phải. Thử ước tính lượng không khí mà chúng ta hít vào cơ thể mỗi ngày lên đến 10 nghìn lít. Các bạn cứ tưởng tượng thay vì 10 nghìn lít không khí trong lành, mỗi người lại hít vào 10 nghìn lít khí bụi bặm, ô nhiễm. Cho dù cơ thể chúng ta có cơ chế vô hiệu hóa một phần nào đó của sự ô nhiễm, nhưng không cơ chế nào là hoàn hảo. Theo đó, ngày qua ngày, khói, bụi mịn, ô nhiễm cứ tích tụ dần và gây ra căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguy hiểm.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 60.000 người tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Giáo sư có nhận định gì về thực trạng này?

So với thế giới, đây không phải là con số quá cao nhưng vẫn là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Việc ô nhiễm không khí, nguồn nước và tình trạng khí hậu nóng lên như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người vì cơ thể chúng ta thường phản ứng tiêu cực với mức nhiệt quá cao. Đặc biệt, ở những khu vực thành thị với mật độ dân cư đông đúc, việc ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe không chỉ người lớn mà còn của trẻ nhỏ. Điều này tạo ra nền tảng không tốt cho sự phát triển thể chất sau này. Những người sớm chịu tác động của ô nhiễm môi trường trước đó khi đến tuổi trung niên sẽ thường có nguy cơ mắc những bệnh mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, những bệnh liên quan đến tim mạch.

Biến đổi khí hậu và mối nguy hại với sức khỏe nhân loại - Ảnh 1.

GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn

Giải pháp cho vấn đề này hoàn toàn không đơn giản, nó đòi hỏi những chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không chỉ của một quốc gia mà trên khắp thế giới. Nếu chúng ta không bắt tay hành động ngay thì số người bệnh tật và tử vong sẽ ngày càng tăng.

Cuộc chiến chống ô nhiễm, biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu, tại Pháp - nơi giáo sư đang sinh sống và làm việc, có những biện pháp nào để đối phó với thực trạng này?

Giảm tải xe cá nhân, tăng cường xe điện, xe buýt, xe công cộng là một trong những biện pháp tôi thấy là tương đối hiệu quả. Ở Thủ đô Paris hiện nay, số lượng xe đã giảm đi rất nhiều, chính quyền thành phố cũng khuyến khích người dân đi xe đạp, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường.

Theo giáo sư thì Việt Nam có thể áp dụng cách làm này?

Việt Nam hay các nước Đông Nam Á nói chung thường di chuyển chủ yếu bằng xe máy nên việc hạn chế xe cá nhân cần phải có những chính sách đồng bộ, cụ thể. Trước mắt, cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, cho người dân thấy rõ những tác động trực tiếp của ô nhiễm môi trường. Chống biến đổi khí hậu không phải là nhiệm vụ của các chuyên gia mà cần sự chung tay của mỗi người. Chúng ta cũng có thể áp dụng những biện pháp tích cực như: gây dựng các vùng xanh, hạn chế tất cả những hành vi làm tổn thương những vùng xanh đó, sử dụng các thiết bị có thể tái chế để giảm lượng rác thải cho môi trường. Nước Pháp cũng đang áp dụng rất hiệu quả những biện pháp này.

Giáo sư có lời khuyên nào giúp mỗi người có thể bảo vệ sức khỏe trong điều kiện ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên trầm trọng như hiện nay?

Các đợt nắng nóng kỷ lục đang diễn ra ngày càng phổ biến ở nhiều nơi. Như tôi đã nói, cơ thể của chúng ta không có khả năng chịu đựng mức nhiệt quá cao nên trong thời tiết nắng nóng, không nên làm những gì để buộc cơ thể phải tăng mức độ điều hòa. Khi trời nóng quá không nên đi ra đường, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng Mặt trời. Bên cạnh đó, việc bổ sung nước là vô cùng quan trọng. Nước giúp cơ thể tăng khả năng giảm nhiệt qua mồ hôi. Nắng nóng khiến cơ thể mất nước nhiều nên việc bổ sung nước cũng giúp thận lọc được các chất độc trong người.

Bạn cũng nên tìm về những nơi có không gian xanh để lá phổi của chúng ta có thời gian phục hồi. Tạo dựng những vùng xanh ở ngay tại nơi bạn sống, đó là việc mà ai cũng có thể làm được.

Xin cám ơn những chia sẻ của giáo sư!

Thuốc lá điện tử vẫn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phổi mãn tính Thuốc lá điện tử vẫn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phổi mãn tính

VTV.vn - Hút thuốc lá điện tử vẫn làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về phổi như hen suyễn, viêm phế quản, khí thũng và tắc nghẽn động mạch phổi...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục