Bệnh nhân tắc ruột do ăn quả hồng

Văn Thành, icon
03:39 ngày 22/10/2021

VTV.vn - Bệnh nhân N.T.C, 68 tuổi, trú tại Nam Đàn, đến khám tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An trong tình trạng đau bụng quằn quại.

Hình minh họa.

Bệnh nhân chia sẻ, cách đây khoảng 10 ngày, bệnh nhân có ăn quả hồng. Sau ăn 3 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện đau bụng từng cơn, lúc đầu cơn đau nhẹ và thưa, sau đó đau liên tục không dứt.

Bệnh nhân có đi khám ở một vài nơi trong tỉnh để kiểm tra nhưng tình hình chưa được cải thiện, cơn đau ngày một tăng, thậm chí xuất hiện những cơn đau quặn quại kèm cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu, buồn nôn, nôn, không ăn uống được gì, cơ thể suy yếu.

Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, qua thăm khám các y bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn. Quá trình theo dõi và điều trị, nhận thấy tình trạng tắc ruột của bệnh nhân ngày càng nghiêm trọng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và phẫu thuật nội soi để điều trị tắc ruột bằng phương pháp đẩy khối bã thức ăn lên dạ dày của người bệnh, mở dạ dày lấy bã thức ăn và khâu phục hồi dạ dày hoàn toàn bằng nội soi.

PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Nguyên nhân gây tắc ruột của bệnh nhân được xác định là do 1 khối bã thức ăn kích thước (6 x 9cm) nằm ở đoạn đầu của ruột non, khối tròn cứng chắc gây tắc hoàn toàn ruột non, phần ruột non bị tắc giãn to phù nề xung huyết chứa đầy dịch ruột. Đây là 1 trong số nhiều bệnh nhân tắc ruột do ăn hồng được điều trị thành công tại bệnh viện.

Lý giải việc ăn hồng dễ gây tắc ruột, PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Trung cho biết thêm: Trong quả hồng có chất Tanin gây vị chát và chất Pectin, hai chất này có nhiều ở vỏ hồng. Tanin và Pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Nếu ăn quá nhiều, nhất là vào lúc đói, các chất này cùng với hàm lượng chất xơ có trong quả hồng dưới tác dụng của axit dạ dày sẽ vón lại thành từng khối, nếu các khối bã thức ăn này không được đẩy ra ngoài theo đường bài tiết tự nhiên, chúng sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa. Tuy nhiên, không phải ai ăn hồng giòn cũng bị tắc ruột.

Các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn thường gặp ở những bệnh nhân răng yếu, nhai không kỹ hoặc có bệnh lý ruột - đại tràng, người có tiền sử phẫu thuật ở khu vực bụng và dạ dày. Vì vậy, cần hạn chế cho người già và trẻ nhỏ ăn hồng giòn. Nên đổi sang ăn hồng chín mềm hoặc hồng sấy khô (hồng mứt) để tránh bị nghẹn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, "khối bã thức ăn" thường gặp ở người già và trẻ nhỏ, khối bã hình thành khi thực phẩm có nhiều chất Tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng… Vì thế, người dân phải đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật sẽ tạo thành khối bã rắn chắc.

Để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, cần lưu ý cách ăn uống, nhất là cho người cao tuổi: thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, mềm… đồng thời nên uống đủ nước; tập thể dục đều đặn (giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục