Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài FDI đã được Nhà nước nhất quán từ lâu. Quan điểm chung là không vì thu hút đầu tư mà đánh đổi môi trường. Tuy nhiên, các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường vẫn hiện hữu tại Việt Nam và khiến dư luận ngày càng quan ngại. Từ sự cố Formosa ở miền Trung đến nguy cơ bức tử sông Hậu do nhà máy giấy Lee&Men, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để thảm đỏ các địa phương trải ra chỉ dành cho các nhà đầu tư đáng tin cậy, thay vì những nhà đầu tư đến Việt Nam vì muốn nhận ưu đãi hay mang tới những công nghệ bẩn, gây độc hại.
Lý giải nguyên nhân tồn tại kẽ hở gây tổn hại môi trường của những dự án FDI xảy ra trong thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: “Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ngày càng lớn về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường đất, biển, sông. Hai nguyên nhân chính khiến dự án FDI có thể lọt lưới tạo ra ô nhiễm môi trường, xét về mặt công nghệ: Thứ nhất là những dự án không có hệ thống xử lý. Họ trực tiếp xả ra môi trường; Thứ hai là những dự án có thể có hệ thống xử lý môi trường nhưng không vận hành để tiết kiệm chi phí".
"Về mặt pháp luật và con người cũng tồn tại 2 nguyên nhân. Thứ nhất do hệ thống luật còn tồn tại nhiều vấn đề. Chúng ta có khá nhiều luật, nếu không muốn nói là quá nhiều luật. Tuy nhiên, luật này có hạn chế. Đó là sự thiếu đồng bộ, thiếu coi trọng tính hai mặt của chính sách, nặng về tiền kiểm chưa coi trọng hậu kiểm, đặc biệt còn thụ động chạy theo kết quả xử lý, không chủ động ngăn chặn từ đầu. Đây là một trong những điểm yếu nhất của luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, chưa quy trình hóa quá trình giám sát. Quy trình có thể bị cắt xén, bỏ qua khi thực thi. Yếu công nghệ để giám sát, thẩm định về công nghệ môi trường, thậm chí việc giám sát chỉ là hình thức", TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.
Quan điểm của TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhận được sự đồng tình của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright. "Quy trình mang tính chiến lược trong thu hút đầu tư gồm từ chủ trương, chính sách đến quy định, rồi tới thực thi và giám sát. Mặc dù quy trình này có vẻ chặt chẽ nhưng nhìn đâu cũng thấy lỗ hổng. Từ chủ trương đúng đến chính sách đã bắt đầu bị lệch, những quy định chi tiết sau đó lại càng tỏ rõ thiên hướng lệch pha so với chủ trương, kế tiếp là một khoảng cách xa giữa quy định và thực thi. Cuối cùng kết thúc là sự giám sát lỏng lẻo. Những yếu tố đó tạo ra sự lựa chọn bất lợi của các địa phương hiện nay khi tiếp nhận các dự án FDI" - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Bổ sung ý kiến trên, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng nhiều địa phương đang có hiện tượng nhẫm lẫn giữa việc bảo đảm yếu tố nhanh nhẹn, hấp dẫn trong thủ tục hành chính cấp phép dự án FDI với việc thả nổi, tạo kẽ hở dẫn đến hút những dự án không cần thiết, để lọt lưới dự án kém chất lượng.
"Không vì lợi ích của ngày hôm nay mà hy sinh lợi ích của thế hệ tương lai. Đó là điểm nút để có sự nhận diện cao hơn. Nói ngắn gọn là, các địa phương có thể cấp phép thủ tục hành chính ngắn gọn nhưng với đánh giá môi trường, đặc biệt với dự án lớn có nguy cơ phát thải độc hại lớn cần làm riêng, thông thoáng nhưng không thể dễ dãi", TS. Nguyễn Minh Phong cho biết.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!