Từ tháng 7/2015, người dân và doanh nghiệp đã có thể tham gia kinh doanh hàng ngàn ngành nghề mà không cần phải xin giấy phép như trước, miễn sao đó không phải là ngành nghề bị cấm. Doanh nghiệp cũng không nhất thiết phải sử dụng con dấu trong hoạt động giao dịch. Đây là hai trong số hàng loạt chính sách hướng tới “cởi trói” cho doanh nghiệp. Những chính sách này xuất phát từ chính thông tin thu thập được trong các cuộc điều tra doanh nghiệp nhiều năm vừa qua.
Thực tế cho thấy, thông tin từ các cuộc điều tra doanh nghiệp đến càng sớm và chính xác thì chính sách điều chỉnh cho các doanh nghiệp càng kịp thời. Ở thời điểm này, cuộc điều tra doanh nghiệp 2015 đã chính thức bắt đầu. Đây sẽ là một thách thức lớn cho Tổng cục Thống kê khi muốn miêu tả chính xác bức tranh toàn cảnh về hơn 4.000 doanh nghiệp của Việt Nam.
Chương trình Sự kiện & Bình luận sáng 28/3 đã có cuộc bàn luận về chủ đề này với sự tham gia của khách mời là TS. Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê. Ông cũng là người đảm nhận vai trò Tổ Trưởng tổ chỉ đạo cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2015.
Ông Phạm Đình Thúy cho biết tầm quan trọng trong việc xác định vai trò của doanh nghiệp là điều khiến Tổng cục Thống kê luôn rất coi trọng công tác điều tra doanh nghiệp hàng năm. Hoạt động này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết, đầy đủ để Nhà nước và các cấp, các ngành ban hành chính sách phát triển nền kinh tế, xã hội nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng.
TS. Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê
Riêng với cuộc điều tra doanh nghiệp trong năm 2015, bên cạnh các thông tin thường được thu thâp, Tổng cục Thống kê đã đưa vào ba nhóm thông tin mới. Một là nhóm thông tin về xu hướng kinh doanh. Các kết quả từ nhóm thông tin này sẽ hỗ trợ Nhà nước, các cấp, ngành hoạch định chính sách tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để tiếp tục phát triển tốt trong tương lai.
Nhóm thông tin thứ hai là về vốn đầu tư phát triển trong doanh nghiệp. Năm 2015, bên cạnh các cuộc điều tra thường xuyên, ngành thống kê sẽ tổ chức điều tra vốn xã hội với chu kỳ 5 năm một lần. Trong đó, vốn đầu tư trong doanh nghiệp sẽ được lồng ghép trong cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2015. Thông tin này sẽ giúp Nhà nước có bức tranh toàn cảnh về vốn đầu tư toàn xã hội cũng như của danh nghiệp. Từ đó, Nhà nước xây dựng kế hoạch chiến lược để thu hút vốn đầu tư trong xã hội và doanh nghiệp, đảm bảo phát triển ổn định nền kinh tế.
Nhóm thông tin mới thứ ba là về khoa học công nghệ. Việt Nam nằm trong nhóm nước có nền khoa học công nghệ được nhiều tổ chức thế giới đánh giá là tụt hậu. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn tới năng suất chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và doanh nghiệp kém. Thông tin nhóm thứ ba sẽ giúp các ngành hoạch định chính sách phát triển công nghệ của đất nước cũng như của doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Kết quả từ các cuộc điều tra doanh nghiệp ở những năm trước cho thấy, ngay sau khi có thông tin, Nhà nước đã ban hành được nhiều chính sách tích cực nhằm ổn định và phát triển trên nhiều lĩnh vực như Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật đầu tư. Tuy nhiên, một điều có thể dễ dàng nhận ra là Tổng cục Thống kê đã gặp rất nhiều khó khăn để có được những thông tin kể trên.
Lý giải hiện tượng này, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp - cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam thương có tâm lý e ngại, thậm chí là né tránh khi chia sẻ thông tin điều tra kinh tế. Do vậy, để cuộc điều tra doanh nghiệp 2015 thuận lợi, Tổng cục Thống kê đã thiết lập một quy trình làm việc chặt chẽ, đảm bảo quy định pháp luật đối với lĩnh vực thống kê.
“Điều tra doanh nghiệp là cuộc điều tra quan trọng được Cục Thống kê thiết lập quy trình làm việc chặt chẽ. Một trong những quy trình được chúng tôi quan tâm nhất đó là xây dựng toàn bộ tài liệu điều tra khoa học, hợp lý. Trong đó, quy trình này có liên quan đến bốn khâu: thiết kế bảng hỏi, tuyển chọn điều tra viên, tổ chức tập huấn cho điều tra viên và lập danh sách các doanh nghiệp kỹ lưỡng. Đồng thời, nguyên tắc chung cho cuộc điều tra là đơn giản hóa tuyệt đối lượng thông tin mà các doanh nghiệp phải khai báo”.
Chủ động chia sẻ thông tin là cách thức mà các doanh nghiệp có thể tham gia vào các cuộc điều tra kinh tế - xã hội nhằm có được những số liệu đầy đủ và chính xác với thực tế. Mặt khác, chính những doanh nghiệp cũng có quyền được tiếp cận và sử dụng những thông tin này cho hoạt động kinh doanh của mình.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.