Dù bị cả xã hội lên án nhưng rõ ràng hoạt động mại dâm vẫn đang tồn tại dưới nhiều cách thức khác nhau, với diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Hoạt động này không chỉ diễn ra tại các khách sạn, nhà hàng, vũ trường, quán karaoke... mà còn tại các quán cà phê, tiệm hớt tóc, gội đầu, cơ sở xông hơi xoa bóp, trong đó gồm cả hình thức tự làm việc độc lập và tham gia vào các đường dây mại dâm có tổ chức.
Đối mặt với vấn đề nhức nhối này, các cơ quan chức năng đang gặp phải trở ngại gì? Có nên chăng hợp thức hóa hoạt động mua bán dâm như tại một số nước phát triển?... Những câu hỏi này sẽ được hai khách mời - PGS.TS Phạm Bích San - nhà Xã hội học và ông Nguyễn Xuân Lập - Cục Trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội trả lời trong chương trình Sự kiện và Bình luận.
Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục Trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, trong 5 năm (2011- 2015), lực lượng công an đã truy quét, triệt phá gần 5.800 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với trên 23.200 người vi phạm, trong đó có gần 9.650 người bán dâm, trên 8.200 người mua dâm, gần 5.160 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi. Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Lập, số lượng này có xu hướng giảm so với những năm trước đây. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là phần nổi của tàng băng chìm trong hoạt động mại dâm tại nước ta.
"So với thời kỳ đầu thực hiện chương trình, số lượng người tham gia hoạt động mại dâm đã giảm. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hiện tượng giảm là do công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục từ cơ quan trung ương đến cơ sở và sự vào cuộc của cơ quan truyền thông cùng các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức xã hội đến tận cấp xã phường… Lý do thứ 2 là do cơ quan đấu tranh đã đưa ra được nhiều vụ việc liên quan đến tổ chức hoạt động mại dâm trá hình, hoặc lợi dụng, ép buộc mại dâm hoặc các đường dây mùa bán mại dâm. Nguyên nhân thứ ba là sự tham gia vào cuộc của một số tổ chức xã hội nhằm giúp đỡ những người bán dâm".
"Tuy nhiên, với số liệu này, chúng tôi vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Đây mới chỉ là con số tổng hợp qua hệ thống ngành dọc quản lý còn trong tảng băng chìm phía sau thì khó biết thực tại”, ông Nguyễn Xuân Lập phân tích.
PGS.TS Phạm Bích San - Nhà Xã hội học
Hoạt động mua bán mại dâm là hành vi mà đạo đức xã hội của Việt Nam không cho phép và chấp nhận. Hoạt động này chưa bao giờ được công nhận là một nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mua bán mại dâm vẫn đang tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau, trong đó, các phương tiện qua Internet như Zalo, Facebook… đang trở thành một cách thức hoạt động mại dâm phổ biến và rất khó để cơ quan chức năng phát hiện. Đối diện với thực trạng này, cơ quan quản lý gặp phải không ít thách thức.
“Với cơ quan thường trực quản lý vấn đề này, chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phòng chống mại dâm. Điều đầu tiên nằm ở vấn đề quan điểm. Trong vài năm gần đây, chúng tôi đã tiến hành thăm dò với nhiều đối tượng khác nhau. Kết quả cho thấy có 33% ủng hộ việc phòng chống mua bán mại dâm, 33% cho rằng nên để nguyên thực trạng này và 33% người được hỏi có quan điểm nên học tập xu hướng các quốc gia công nhận hoạt động mại dâm", ông Nguyễn Xuân Lập cho biết thêm.
Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Bích San, hoạt động mua bán mại dâm là một thực trạng vẫn luôn tồn tại trong xã hội. Điều quan trọng ở thời điểm này là phải tìm biện pháp giải quyết. Nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam nên học theo một số quốc gia coi mại dâm như một nghề nghiệp, công việc hợp pháp. Chẳng hạn tại Đức, mại dâm là một nghề hợp pháp và có luật lệ quy định. Nhà chứa là các cơ sở kinh doanh có đăng ký. Người bán dâm trả thuế thu nhập và họ tính cả tiền thuế Giá trị gia tăng (VAT) vào dịch vụ của mình.
Thể hiện quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Phạm Bích San cho biết: “Tôi cho rằng sẽ đến lúc phải hợp pháp hóa hoạt động mại dâm nhưng vấn đề lúc nào hợp pháp hóa thì là cả vấn đề. Chúng ta đang sống trong một xã hội chưa đủ cởi mở và điều kiện để chấp nhận hoạt động đó. Tôi nghĩ nên có những thử nghiệm ban đầu thì sẽ tốt hơn".
“Quan niệm hình thành theo thời điểm sống. Mỗi thời kỳ lại có những quan niệm nhất định, không nên quên trong xã hội hiện đại, đời sống con người phát triển hơn thì nhu cầu của con người cũng nhiều hơn. Quan niệm cũng có thể thay đổi nhưng nó không thay đổi nhanh được mà cần có thời gian. Việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm phải có lộ trình, song lộ trình đó vẫn phải đảm bảo con người không bị mất nhân phẩm, xã hội không bị mất ổn định và thuần phong mỹ tục cần được tôn trọng”, PGS.TS Phạm Bích San nói.
Để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.