Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Nhưng chỉ có khoảng 20.000 sinh viên chuyên ngành ra trường, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nguồn nhân lực là một trong những điểm nghẽn của ngành du lịch.
Vậy điểm nghẽn này cụ thể ra sao? Đây là câu hỏi được phân tích trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này, với sự tham gia của khách mời là ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam và bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.
Chia sẻ về những đánh giá cho rằng nhân lực ngành du lịch vừa thiếu vừa yếu, ông Hà Văn Siêu đã đưa ra những phân tích khẳng định lực lượng nhân lực trong ngành không thiếu nhưng số lượng có chất lượng cao lại không đủ đáp ứng nhu cầu.
"Mọi vấn đề do yếu tố con người quyết định. Cho tới nay, về số lượng, chúng ta không thiếu nhân lực nhưng về chất lượng, vị trí công việc thì thiếu lao động bậc cao, có trình độ quản lý, có tư duy hội nhập toàn cầu để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta còn yếu ở lực lượng kỹ năng, đặc biệt nhóm dịch vụ, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ, văn hóa...
Hiện nay, sức hấp dẫn của lao động trong du lịch xuất phát từ chiến lược phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp, làm sao đi vào du lịch chất lượng cao để thu được giá trị gia tăng cao, nhằm đảm bảo chi phí cho lao động chất lượng, tạo động lực cho guồng máy đào tạo tại nhà trường và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có ngân sách đầu tư cho nhân lực. Việc đào tạo này không đào tạo lại mà là chuyên sâu, bởi trong nhà trường đã có đào tạo cơ bản", ông Hà Văn Siêu cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!