Những ngày qua, dư luận đã dành sự quan tâm không nhỏ cho cuộc đua của thí sinh và người phụ huynh trong cuộc xét tuyển vào Đại học năm 2016. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh năm nay có điểm số trên điểm sàn và đăng ký xét tuyển Đại học là hơn 400.000, giảm khoảng 120.000 so với năm ngoái. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia của các trường về cơ bản không thay đổi, khoảng 320.000. Điều này dự báo điểm chuẩn của nhiều ngành, nhiều trường sẽ giảm so với năm trước. Đây là một tin mừng với thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, cơ hội Đại học rộng mở liệu có đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho các sĩ tử? Một nghịch lý đang tồn tại là người Việt Nam có nhiều bằng cấp không thua kém thế giới nhưng nếu xét về năng lực lao động thì lại không được đánh giá cao.
Đánh giá về chất lượng lao động Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 4/10 điểm. Trong số 12 nước tham gia khảo sát, Việt Nam đứng số 11. Có thể thấy, năng suất lao động của Việt Nam đang thuộc loại thấp nhất trong khu vực. Điều đáng ngại hơn là tốc độ tăng năng suất đang giảm dần trong những năm qua".
"Bằng cấp nhiều nhưng kỹ năng, khả năng chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, đặc biệt là tính kỷ luật, sức bền của lao động Việt Nam tương đối thấp trong tương quan so với những nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN. Đây là điều chúng ta phải khắc phục trong thời gian tới nếu muốn cạnh tranh được trong thị trường ASEAN", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Trước tình hình này, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định có nhiều giải pháp để giúp các sĩ tử kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp Đại học. Đó là những giải pháp từ phía cung, phía cầu và từ chính các em học sinh và phụ huynh.
“Để khắc phục hiện tượng này không thể một sớm một chiều nhưng phải làm ngay. Chương trình hành động cụ thể đầu tiên là quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là trường Đại học. Thứ 2 là quy hoạch, nâng cao các yếu tố đảm bảo chất lượng, trước hết là với đội ngũ giáo viên", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phân tích.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định được 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cho quá trình cải cách giáo dục. Việc tiếp theo là tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, cụ thể hóa thành đề án, dự án, căn cứ trên đó để đầu tư và tính toán, phân bổ trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, tôi rất coi trọng xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực vào giáo dục" - ông Phùng Xuân Nhạ cho biết - "Định hướng cải cách giáo dục được tóm lại trong 6 từ - nề nếp, kỷ cương và chất lượng".
Để tìm hiểu kỹ hơn về vần đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Sự kiện & Bình luận qua video trên đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!