Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Người đứng đầu thiếu quyết liệt, sâu sát

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/07/2020 13:45 GMT+7

VTV.vn - Tổng vốn đầu tư công trong cả nước năm nay là 470.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, con số đã giải ngân chỉ đạt 34,96%.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: Tại sao cùng một hệ thống pháp luật, nhưng trong khi nhiều Bộ và địa phương giải ngân được rất thấp thì đã có 12 Bộ và địa phương đã giải ngân được hơn 50% vốn được giao của năm nay. Thực tế này cho thấy một khi có cách làm hay, quyết liệt thì cái khó sẽ từng bước được hóa giải, những điểm được coi là điểm nghẽn ở nơi này lại được giải quyết hiệu quả ở nơi khác.

Trong quy trình đầu tư công cũng có thể thấy rõ trách nhiệm của địa phương ở các khâu. Dấu mốc đầu tiên của quy trình đầu tư dự án công đó là khâu chuẩn bị đầu tư. Trong đó, chủ yếu nằm ở trách nhiệm của các địa phương. Từ khâu lựa chọn dự án, lập dự án, thẩm định, phê duyệt và ra quyết định đầu tư. Để quyết định đầu tư một dự án công, phải được thông qua HĐND và các Bộ, ngành có liên quan. Thường sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Sau khi có quyết định đầu tư, chủ đầu tư đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thi công. Đồng thời địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng dự án. Hạng mục giải phóng mặt bằng hiện đang là một trong những điểm nghẽn và có yếu tố quyết định đến thời gian hoàn thành dự án. Phần lớn các dự án công chậm hoàn thành chủ yếu vì chưa có mặt bằng.

Sau khi dự án được triển khai, tức là có khối lượng thi công, các nhà thầu sẽ lập hồ sơ, Kho bạc Nhà nước sẽ tiến hành giải ngân những phần đã thực hiện.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Người đứng đầu thiếu quyết liệt, sâu sát - Ảnh 1.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 34,96% kế hoạch. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó do đại dịch COVID-19, việc thúc đẩy đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để kích thích nền kinh tế tăng trưởng, kéo theo các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển và đem đến công ăn việc làm cho người lao động. 

Tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm nay chưa đạt yêu cầu một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng theo người đứng đầu Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có nguyên nhân do người đứng đầu thiếu quyết liệt, sâu sát.

Làm gì để thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong 6 tháng cuối năm? Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương như thế nào? Xung quanh những nội dung này, chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này với sự tham gia của ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có những phân tích, bình luận cụ thể.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 của nước ta chỉ đạt 1,81%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm, tình hình sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khó khăn.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 34,96% kế hoạch (bao gồm cả vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2020), cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ODA có tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Để đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ họp giao ban 1 tháng/lần với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương định kỳ 15 ngày phải rà soát, cập nhật kết quả giải ngân, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hàng tháng công khai kết quả giải ngân của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tại phiên họp Chính phủ, trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước