Trong một clip được một người hàng xóm ở chung cư đối diện ghi lại bằng điện thoại, một cháu bé khoảng 4 tuổi bị hai người lớn thay nhau đánh mặc cho cháu bé van xin, khóc lóc. Qua cửa kính có thể nhìn thấy phía bên trong nhà còn có người lớn khác chứng kiến cháu bé bị hành hạ. Sau đó, chủ căn hộ này đã lên tiếng xác nhận, hai người lớn trong clip là bố mẹ của cháu.
Trong một clip khác, do không chịu cho y tá lấy máu, một cháu bé đã bị bố của mình chửi mắng và tát liên tiếp vào mặt. Thấy con gái vẫn còn khóc, người bố này bước đến ghì chặt tay, ấn đầu con xuống bàn. Đến khi bé làm xong thủ thuật, ra hành lang, người bố vẫn đánh và quát mắng con ầm ĩ.
Người dân rất bất bình vì những em bé trong clip còn rất nhỏ và không rõ lý do cháu bị đánh là gì, nhưng cũng không thể ra tay với trẻ con như vậy vì hậu quả về thể xác và tâm lý trẻ như thế nào đã được nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây.
Nhìn những hình này ai cũng nghĩ, việc đánh con như vậy là hành vi rất đáng lên án, cần phải bài trừ khỏi xã hội. Tuy nhiên, nếu các bạc cha mẹ tự suy ngẫm sẽ thấy, rất có thể trong một khoảnh khắc nào đó khi nóng giận, mất bình tĩnh và kiểm soát, chúng ta cũng sẽ có lúc rơi vào tình trạng tương tự, nhất là khi con không làm theo ý cha mẹ, bướng bỉnh, ăn vạ. Cha mẹ là người gần gũi nhất với trẻ. Do đó, khi cha mẹ bực bội, trách phạt, dùng cả bạo lực với trẻ, các con sẽ có những cảm xúc tiêu cực.
Các phụ huynh vẫn muốn con mình lớn lên sẽ tự lập, tự suy nghĩ. Tuy nhiên, từ khi còn nhỏ, bất kỳ suy nghĩ nào của con khác với cha mẹ sẽ bị uốn nắn ngay lập tức dù những suy nghĩ này chưa phải là sai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!