Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Bích Ngọc, Chí Hiếu, Quang Lâm-Chủ nhật, ngày 16/04/2023 12:31 GMT+7

VTV.vn - Tiếp cận sớm với chương trình giáo dục phổ thông mới, nắm chắc sách giáo khoa mới. Các giáo viên tương lai còn cần thêm gì để đáp ứng việc giảng dạy theo chương trình mới?

Lớp 3, 7 và 10 năm nay lần đầu tiên triển khai dạy theo chương trình mới và sách giáo khoa mới. Nhưng đến thời điểm này, khi đã gần kết thúc năm học, tình trạng thiếu giáo viên để dạy các môn học mới theo chương trình mới vẫn phổ biến ở nhiều tỉnh, thành. Với cấp tiểu học là các môn Tin học, tiếng Anh. Còn lớp 10 là giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.

Tại Bình Thuận, cả tỉnh có duy nhất 1 giáo viên âm nhạc lớp 10. Với 28 trường THPT trên toàn tỉnh thì khó khăn nhất là đều chưa có giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật dạy lớp 10. Còn tại Hậu Giang, năm học này, tỉnh phải huy động giáo viên Âm nhạc dạy cấp 2 sang dạy lớp 10. Chủ trương này được Bộ GD&ĐT đồng ý và thực tế không riêng Hậu Giang, rất nhiều địa phương khác cũng đang phải dùng phương án tạm thời này.

Năm nay, khóa sinh viên sư phạm đầu tiên của nhiều trường Đại học Sư phạm được đào tạo nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp ra trường. Đây được kỳ vọng là nguồn bổ sung cho các địa phương và góp phần giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Thế nhưng từ đào tạo trong trường cho tới khi trở thành giáo viên đi dạy vẫn là một khoảng cách.

Thách thức với giáo viên lần đầu dạy chương trình mới

Chỉ vài tháng nữa, những sinh viên sẽ tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành giáo viên mỹ thuật và âm nhạc trong tương lai. Họ vừa kết thúc kỳ thực tập để tăng cường thực hành và hoàn thiện nghiệp vụ sư phạm, nhưng việc các môn Âm nhạc và Mỹ thuật chưa thể được giảng dạy ở nhiều trường THPT đã khiến các giáo viên tương lai gặp không ít khó khăn.

Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - Ảnh 1.

Dù được đạo tạo để đáp ứng với chương trình mới nhưng khi đi thực tập tại trường phổ thông và dạy môn Ngữ văn lớp 10, sinh viên Đoàn Hải Anh (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận thấy vẫn còn rất nhiều thách thức. Từ tiếp cận các bộ sách mới dạy mới cho đến ngữ liệu tham khảo để phục vụ giảng dạy.

Các môn học mới và hình thức tổ chức dạy mới vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho mỗi một người thầy. Chương trình GDPT hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất cho người học. Vì vậy phải chú trọng vào học sinh, làm sao để học sinh say mê, hứng thú, biết tự nghiên cứu và khát khao học tập.

Trong bối cảnh sự đổi mới đang diễn ra rất nhanh, rất mạnh mẽ của ngành giáo dục thì yêu cầu đặt ra cho các giáo viên càng cao hơn. Giúp trang bị cho những nhà giáo tương lai một hành trang vững vàng, các trường đại học sư phạm đều đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Hành trang cho những nhà giáo tương lai là tri thức, là kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm - những điều mà họ sẽ được trang bị đầy đủ từ trong trường đại học. Nhưng một hành trang quan trọng không kém là lòng yêu nghề. Điều đó sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách đang chờ phía trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước