WHO: H7N9 “cực kỳ nguy hiểm” đối với người

Việt Nữ-Thứ tư, ngày 24/04/2013 20:37 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm nay (24/4) đã đưa ra lời cảnh báo chủng virus cúm gia cầm mới tại Trung Quốc (H7N9) “nguy hiểm khác thường” đối với con người.

Lời cảnh báo này được đưa ra khi con số người tử vong do virus cúm này tại Trung Quốc đã tăng lên 22 người.

Chủng virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc là một trong những chủng virus cúm nguy hiểm chết người nhất và dễ lây lan từ gia cầm sang người hơn chủng virus cúm A/ H5N1 từng xuất hiện lần đầu năm 2003 khiến hàng trăm người trên thế giới tử vong. Đây là tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới ngày hôm nay.

Ông Keiji Fukuda, Trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho biết: "Khi xem xét chủng virus cúm H7N9, chúng tôi nhận thấy loại virus này nguy hiểm đặc biệt đối với con người. Hiện có một số chủng virus cúm khác nguy hiểm với người, như virus H5N1. Nhưng chủng mới H7N9 còn nguy hiểm ở mức độ đặc biệt và là một trong những virus gây chết người nguy hiểm nhất mà chúng tôi phát hiện từ trước tới nay”.

‘ Số người tử vong do virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã tăng lên 22 người. (Ảnh: News.cn)

Gần 2 tháng sau khi trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên tại Trung Quốc được phát hiện, số ca nhiễm loại virus cúm này tại Trung Quốc đã tăng lên gấp 2 lần so với các ca cúm A/H5N1 bị nhiễm ở Trung Quốc trong suốt một thập kỷ qua.

Cho đến nay đã có 108 ca nhiễm H7N9 tại Trung Quốc, trong đó 22 người đã tử vong. Trong số những người đang được điều trị mới chỉ có 14 người được ra viện, 72 người còn lại vẫn đang được theo dõi đặc biệt.

Mặc dù hiện vẫn chưa rõ các bệnh nhân bị lây nhiễm cúm A/H7N9 theo con đường nào, song các chuyên WHO cho biết không thấy có bằng chứng về khả năng lây được từ người sang người của loại virus chết người này.

"Hiện nay, dựa trên những bằng chứng mà chúng tôi quan sát, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta mới đang ở giai đoạn hiểu biết sơ khai về loại virus H7N9. Nhưng dựa trên các bằng chứng đã có, chúng tôi nghĩ rằng virus cúm H7N9 giờ đây dễ dàng truyền từ gia cầm sang người hơn H5N1", ông Keiji Fukuda nói.

Cũng theo WHO, đến nay vẫn chưa phát hiện virus H7N9 ở chim di cư. Ngược lại, các mẫu gà vịt và bồ câu nuôi bán tại chợ lại phát hiện dương tính với H7N9. Và điều khác thường nữa là không thấy tình trạng phát bệnh của những con gia cầm nhiễm chủng cúm này.

Trong lúc này, Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc công bố báo cáo cho thấy chủng virus cúm H7N9 phát hiện ở người có cùng nguồn gốc với virus cúm H7N9 tồn tại trong gia cầm sống. Phát hiện này được cho là sẽ cung cấp những căn cứ quan trọng giúp phòng chống hiệu quả loại virus này.

Trước tình hình cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp với số ca tử vong và ca nhiễm mới liên tục tăng thời gian gần đây, sáng nay Tổ chức Y tế thế giới đã kiến nghị Chính phủ Trung Quốc trong công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 thời gian tới trong đó nhấn mạnh cần phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu tìm nguồn lây nhiễm từ các ca bệnh, đồng thời có biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn virus cúm tiếp tục lây lan.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước