Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã ban bố tình trạng khẩn cấp. (Ảnh: Reuters)
Những người biểu tình vẫn tiếp tục các hoạt động chiếm đóng bất chấp việc an ninh được thắt chặt hơn và các điểm chốt chặn của cảnh sát được dựng lên nhằm ngăn chặn các vụ bạo động mới có thể xảy ra.
Trên các đường phố của Thủ đô Bangkok, an ninh đã được thắt chặt hơn, nhiều điểm chốt chặn của cảnh sát được được dựng lên để đảm bảo không xảy ra các vụ bạo động mới. Tuy nhiên, hôm nay, những người biểu tình chống Chính phủ vẫn tiếp tục kéo tới các trụ sở của lực lượng cảnh sát ở Thủ đô Bangkok, dỡ bỏ các biển hiệu tại cổng vào. Họ cũng xông vào tòa nhà dự phòng của Chính phủ Thái Lan, nơi Thủ tướng Yingluck trước đó vừa đến để dự các cuộc họp.
Nhiều bộ và các cơ quan chính phủ đã buộc phải đóng cửa để tránh đụng độ với người biểu tình, nhưng theo Chính phủ Thái Lan các hoạt động và dịch vụ vẫn được duy trì bởi các nhân viên vẫn làm việc ở nhà hoặc ở các trụ sở dự phòng.
Mặc dù tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 60 ngày kể từ ngày hôm nay tại Thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, nhưng chính phủ Thái Lan không có kế hoạch dỡ bỏ những lều trại mà những người biểu tình dựng lên tại 7 điểm nút giao thông chính trong thành phố. Mục đích chính của quyết định này chỉ là nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang vốn đã làm 9 người thiệt mạng trong đợt biểu tình kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Hiện lệnh giới nghiêm qua đêm vẫn chưa được thiết lập.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép Chính phủ Thái lan được quyền áp đặt các lệnh giới nghiêm, bắt giữ không cần cáo trạng các đối tượng tình nghi, kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ tập quá 5 người vì mục đích chính trị và ban bố lệnh cấm nhiều khu vực trên cả nước.
Mời quý vị theo dõi chi tiết trong video dưới đây: