Thi thể nạn nhân vụ đánh bom ở Narathiwat. (Ảnh: AFP)
Các cuộc bạo lực tại miền Nam Thái Lan đã cướp đi sinh mạng của hơn 5000 người kể từ năm 2004. Đây được xem là điểm nóng xung đột nặng nề nhất tại Đông Nam Á hiện nay.
Cuộc đàm phán được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) và sẽ không giới hạn thời gian.
Dự kiến, Chính phủ Thái Lan sẽ đưa ra đề xuất 3 điểm bao gồm yêu cầu nhóm Hồi giáo Barisan (BRN) giảm các hành động gây hấn, chấm dứt các cuộc tấn công vào dân thường và dừng đánh bom vào các khu dân cư đông người.
Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan là người đại diện Chính phủ Thái trong cuộc đàm phán này.
Ông Paradorn Pattanathabutr, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan nói: "Tôi tin rằng nhóm Hồi giáo Barisan có thể giúp giảm tình trạng bạo lực hiện nay. Họ là nhóm Hồi giáo chính và có ảnh hưởng tới hầu hết các cuộc đụng độ hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng nói chuyện với nhóm này có thể giúp chúng tôi kết nối cả với các nhóm vũ trang khác hiện nay ở miền Nam."
Hiện có rất nhiều các tổ chức đang hoạt động tại Thái Lan. Và trong rất nhiều trường hợp, lực lượng an ninh nước này không thể xác định được đâu là nguồn gốc của xung đột.
Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan kỳ vọng cuộc đàm phàn lần này sẽ giúp chính phủ Thái ít nhất có thể xác định rõ hơn ai chịu trách nhiệm đối với các cuộc xung đột hiện nay, dù cảnh báo sẽ mất nhiều thời gian để có thể chấm dứt tình trạng bạo lực tại miền Nam.