Hiện trường một vụ tấn công vào trường học ở miền Nam Thái Lan. (Ảnh: Isn)
Tình trạng bạo loạn ở các tỉnh miền Nam Thái Lan kéo dài nhiều năm qua và đã phải trả giá bằng sinh mạng của hàng ngàn người vô tội.
Trẻ em sống tại những khu vực này cũng đang phải sống trong lo sợ, khi hàng ngày cắp sách tới trường. Việc đem lại hòa bình cho khu vực miền Nam bất ổn vẫn đang là một nhiệm vụ nặng nề đối với Chính phủ Thái Lan.
Những phần tử vũ trang đấu tranh vì mục đích ly khai tại khu vực miền Nam Thái Lan cho rằng, Chính phủ đang sử dụng trường học để thực hiện chính sách đồng hóa các trẻ em theo đạo Hồi và đây chính là nguyên nhân khiến trường học luôn là mục tiêu của các vụ tấn công.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã từng cam kết rằng Chính phủ sẽ làm hết sức để đem lại hòa bình cho các tỉnh biên giới miền Nam, nơi mà cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số.
Tuy nhiên, những cam kết trên của Chính phủ không thể xoa dịu những nỗi đau về tinh thần và cảm giác bất an khi đến trường mà các em đang phải chịu đựng mỗi ngày.
Tại một số khu vực bất ổn, trẻ em luôn có binh sỹ hộ tống mỗi khi đến trường. Một trường học ở đây đã phải đóng cửa sau khi một giáo viên bị bắn chết ngay trước mặt các học sinh của mình trong căng tin của trường hồi tháng 2 năm nay.
Một binh sỹ Thái Lan nói: "Khi xảy ra vụ việc, trong căng tin có 50 học sinh và 3 giáo viên. Trong đó, 1 giáo viên nam đã bị bắn chết ngay trước mắt các học sinh”.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã từng tiến hành một cuộc khảo sát tại khu vực miền Nam Thái Lan, họ đã yêu cầu các em vẽ một bức tranh về những ký ức hạnh phúc nhất và đau buồn nhất trong đời. Và nhiều em đã vẽ những người mà chúng quen biết đã bị bắn chết hoặc cảnh tượng của những ngôi trường bị đốt cháy.
Theo thống kê, đã có hơn 5000 người thiệt mạng và hơn 9000 người bị thương trong hơn 11.000 vụ bạo lực kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 1/2004 tại các tỉnh miền Nam Thái Lan.